1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Rùa biển đực sắp tuyệt chủng

Minh Khôi

(Dân trí) - Tỷ lệ giới tính của rùa biển hiện đang rơi vào trạng thái mất cân bằng trầm trọng ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên và con người.

Rùa biển đực sắp tuyệt chủng - 1

Rùa biển đực mới nở ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên và con người (Ảnh: Getty).

Rùa biển xanh (tên khoa học: Chelonia mydas) vốn đã là một loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, chủ yếu do nạn săn bắt, thu hoạch trứng, suy thoái môi trường sống, rác thải biển.

Thế nhưng, chúng đang phải đối mặt với một mối đe dọa khác thậm chí còn lớn hơn sự nguy hiểm hơn từ con người: Đó là sự thiếu hụt trầm trọng của những con đực mới nở.

Arthur Barraza, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith, Australia, lý giải rằng điều này xảy ra do một số chất gây ô nhiễm có thể đang thúc đẩy quá trình nữ tính hóa xảy ra ở rùa biển.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các chất gây ô nhiễm làm tăng nguy cơ tuyệt chủng ở loài rùa biển do chúng thiếu hụt rùa đực", Barraza cho biết. "Không chỉ tác động đến tỷ lệ sinh con đực, các chất gây ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ giới tính của rùa biển xanh đang phát triển, làm tăng sự thiên vị đối với con cái".

Trong nghiên cứu này, Barraza và các đồng nghiệp tập trung vào loài rùa biển xanh sống ở Đảo Heron, một cồn cát san hô nhỏ ở phía nam Rạn san hô Great Barrier.

Họ đã nghiên cứu tổng cộng 17 ổ trứng rùa biển xanh trên đảo, thu thập chúng 2 giờ sau khi rùa mẹ đẻ, và ghi lại các dữ liệu cần thiết về nhiệt độ bên trong tổ, cũng như trên bề mặt bãi biển.

Kết quả của nghiên cứu nhận thấy các tổ rùa trên đảo Heron đều sinh ra chủ yếu là con cái.

Rùa biển đực sắp tuyệt chủng - 2

Tỷ lệ giới tính của rùa biển hiện đang rơi vào trạng thái mất cân bằng trầm trọng (Ảnh: Getty).

Tỷ lệ chênh lệch đáng lo ngại này dường như có liên quan mật thiết đến nồng độ của 18 kim loại nặng gồm cadmium, crom, cùng với các chất ô nhiễm hữu cơ khác như PAHs, PCB, PBDE... hiện diện ở môi trường sống của rùa biển xanh.

Theo Jason van de Merwe, nhà sinh thái biển kiêm nhà nghiên cứu chất độc sinh thái tại Đại học Griffith, những chất gây ô nhiễm này đều được biết đến hoặc nghi ngờ có chức năng liên kết với các thụ thể hormone sinh dục nữ (còn gọi là xenoestrogen).

"Rùa cái tích tụ những chất gây ô nhiễm này tại địa điểm kiếm ăn của chúng", chuyên gia này lý giải. "Khi trứng phát triển bên trong cơ thể rùa, chúng sẽ hấp thụ các chất đó và cô lập chúng trong gan của phôi. Tại đây, giới tính của rùa con bị chi phối từ trước khi trứng khi nở".

Tỷ lệ con cái càng tiến gần đến 100%, rùa trưởng thành càng khó tìm bạn tình để tiếp tục duy trì giống nòi. Điều này đặc biệt quan trọng khi số lượng loài rùa này không còn quá nhiều trong tự nhiên.

Trước đó, tỷ lệ giới tính của rùa biển đã rơi vào trạng thái mất cân bằng trầm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn tới các vùng biển nơi chúng sinh sống trở nên ấm hơn.

Đó là vì rùa biển sử dụng phương pháp xác định giới tính phụ thuộc vào nhiệt độ, nghĩa là giới tính của phôi thai được xác định bởi nhiệt độ cát xung quanh trứng khi nó trong tổ.

Do cát ấm sẽ ưu tiên sự xuất hiện con cái, nên khi nhiệt độ khắp thế giới tăng lên, những con đực mới nở ngày càng khan hiếm.

Theo www.sciencealert.com