Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước

Doãn Công

(Dân trí) - Bình Định dành hàng trăm hecta "đất vàng" ven biển cho khoa học với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước trong tương lai.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, trao đổi với phóng viên Dân trí về những lợi thế cũng như thách thức của địa phương trong quá trình phát triển đô thị khoa học, giáo dục gắn với phát triển du lịch.

Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước - 1

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Đầu tư lâu dài cho thế hệ tương lai

Với vị trí ven biển, nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, tại sao tỉnh lại định hướng Quy Nhơn sẽ là thành phố khoa học công nghệ?

- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhưng để tạo sự bứt phá, Bình Định phải có hướng đi khác biệt. Dựa trên nền tảng và tiềm năng của Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại. Do vậy, tỉnh chọn khoa học công nghệ, sáng tạo nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững và lâu dài cho địa phương.

Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước - 2

Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Ảnh: Dũng Nhân).

Với tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định việc đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư lâu dài, đầu tư cho thế hệ tương lai, đây cũng là đòn bẩy để đưa nền kinh tế của tỉnh đột phá và khác biệt.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng từng nói với các nhà khoa học, lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương rằng nếu giả sử Bình Định hướng về kinh tế thì tỉnh đã sử dụng khu "đất vàng" này để quy hoạch các khu đô thị, nhà ở, các dự án du lịch… có giá trị cao để bán sẽ thu lại rất nhiều tiền cho tỉnh ngay lập tức. Tuy nhiên, tỉnh chọn đầu tư cho khoa học vì muốn đầu tư dài hạn, đầu tư cho thế hệ tương lai.

Bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, còn có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là sự đóng góp quan trọng từ các nhà khoa học quốc tế về tham dự các hội nghị tại ICISE do GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam kết nối.

Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước - 3

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng bắt tay xã giao với nhà khoa học quốc tế (Ảnh: Doãn Công).

Trên cơ sở các hoạt động của ICISE, để khoa học và công nghệ trở thành một động lực tăng trưởng, tỉnh Bình Định đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu đô thị Khoa học Quy Hòa có quy mô 242ha với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước.

Khu đô thị này đã có các dự án đi vào hoạt động như: Công viên sáng tạo TMA, Công viên phần mềm của Công ty TNHH Phần mềm FPT, Khu Tổ hợp Không gian khoa học với Nhà mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi... Đây là một lợi thế và đặc trưng mà khó có một địa phương nào trên cả nước có được.

Kiên định đầu tư cho khoa học

Đầu tư cho khoa học cực kỳ gian nan, có thời gian lâu dài và phải kiên định, vậy tại sao Bình Định kiên trì theo đuổi?  

- Như đã nói ở trên, đó là sự quyết tâm không thể nào khác của lãnh đạo tỉnh Bình Định suốt nhiều nhiệm kỳ qua.

Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước - 4

GS Gerard 't Hooft (ĐH Utrecht, Hà Lan) - người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999, tản bộ trên con đường Nobel và có "lưu danh" tên tuổi của ông trên con đường này (Ảnh: Bình Định).

Khu Đô thị khoa học Quy Hòa với trọng tâm là Trung tâm ICISE, là một mô hình hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là đầu tiên của cả nước. Dự án này giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Mục tiêu của khu đô thị hướng đến là phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, khu đô thị còn phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học và giáo dục.

Hiện nay, Bình Định đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện trình Trung ương cho thí điểm đề án phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với định hướng phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu Việt Nam.

Cùng với đó, tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software.

Trong quá trình triển khai dự án, Bình Định gặp những trở ngại gì?

- Trở ngại lớn nhất là nguồn nhân lực để phục vụ cho khu đô thị khoa học. Để xây dựng, hình thành và phát triển khu đô thị khoa học, cần rất nhiều nguồn nhân lực có trình độ cao, các chuyên gia, nhưng hiện lực lượng chuyên gia tại chỗ chưa nhiều.

Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước - 5

Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn đang là điểm đến hấp dẫn du khách (Ảnh: Doãn Công).

Trong khi đó, chế độ, chính sách để đào tạo sẽ mất nhiều thời gian, đặc biệt nếu thu hút chuyên gia nước ngoài về mang tính đặc thù phải có một cơ chế về thu nhập, điều kiện nhà ở rất cao và tốn kém mới thu hút được.

Với vai trò kết nối quốc tế, kết nối với các nhà khoa học, GS.Trần Thanh Vân rất mong muốn khi hình thành trung tâm rõ ràng, tính pháp lý, quy hoạch đầy đủ. GS.Trần Thanh Vân sẽ mời gọi nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới về.

Để thu hút nguồn nhân lực ngành khoa học công nghệ, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Mới đây, tỉnh Bình Định đã ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm, so với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo đang được bố trí nhiều biên chế hơn, có những chế độ ưu đãi thuận lợi hơn.

Ngoài ra, đơn vị đang hợp đồng với 3 chuyên gia, vận dụng theo chế độ của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên để đáp ứng hoạt động hiệu quả với đúng với sứ mệnh, mục tiêu và cơ sở hiện có của Trung tâm thì cần có những đầu tư nguồn lực và chính sách vượt trội và ổn định hơn nữa.

Để phát huy và nâng tầm hoạt động trong tương lai, Trung tâm đang trình UBND tỉnh xây dựng Đề án: "Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Chính phủ".

18 giáo sư đoạt giải Nobel đến Quy Nhơn

Sau 10 năm đi vào hoạt động (2013-2023), ICISE đã tổ chức khoảng 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với sự tham gia nhiệt tình của hơn 10.000 nhà khoa học hàng đầu quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 18 giáo sư đã được giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học), 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học)...

Các nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng như: Ngô Bảo Châu (huy chương Fields năm 2010), Đàm Thanh Sơn (huy chương Dirac 2018), Lưu Lệ Hằng (giải thưởng Kavli), Trịnh Xuân Thuận, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Trọng Hiền… rất nhiều lần tham gia và hỗ trợ các hoạt động khoa học, giáo dục tại ICISE.