DNews

Quốc gia nào có số lượng vệ tinh trên quỹ đạo nhiều nhất thế giới?

T.Thủy

(Dân trí) - Dưới đây là danh sách 10 quốc gia có số vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất nhiều nhất hiện nay. Bạn có đoán ra cái tên đứng đầu?

Quốc gia nào có số lượng vệ tinh trên quỹ đạo nhiều nhất thế giới?

Theo Orbiting Now, trang web chuyên theo dõi và giám sát hoạt động của các vệ tinh trên quỹ đạo, tính đến ngày 7/3, trên quỹ đạo Trái Đất có 9.585 vệ tinh đang hoạt động, trong đó khoảng 72% là các vệ tinh kích thước nhỏ, là những vệ tinh có trọng lượng và kích thước nhỏ hơn so với vệ tinh truyền thống, khối lượng tối đa chỉ khoảng 1,2 tấn.

Quỹ đạo Trái Đất đang bị bao phủ bởi rất nhiều vệ tinh, bao gồm cả những vệ tinh đã ngưng hoạt động (Ảnh minh họa: Pinterest).

Quỹ đạo Trái Đất đang bị bao phủ bởi rất nhiều vệ tinh, bao gồm cả những vệ tinh đã ngưng hoạt động (Ảnh minh họa: Pinterest).

Trong những năm 1990, chỉ 34% vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Trái Đất là vệ tinh nhỏ, nhưng đến những năm 2020, con số này tăng lên 94%, cho thấy xu hướng vệ tinh nhỏ được sử dụng ngày càng phổ biến trên toàn cầu nhờ những ưu điểm của nó.

Trong đó, các vệ tinh nhỏ chủ yếu hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO - Low Earth Orbit), trong khi các vệ tinh lớn chủ yếu hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh (GEO - Geosynchronous Earth Orbit).

Cụ thể, khoảng 12% vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh, 84% vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và chỉ 3% vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất tầm trung (MEO - Medium Earth Orbit). 1% số vệ tinh đang hoạt động ở những quỹ đạo cao hơn.

Các loại vệ tinh cỡ nhỏ đang ngày càng chiếm ưu thế vì ưu điểm của chúng (Ảnh: NASA).

Các loại vệ tinh cỡ nhỏ đang ngày càng chiếm ưu thế vì ưu điểm của chúng (Ảnh: NASA).

Sở dĩ có điều này vì quỹ đạo Trái đất tầm thấp dễ tiếp cận hơn và có một số lợi thế nhất định cho các vệ tinh cỡ nhỏ, chẳng hạn như tốc độ truyền tín hiệu nhanh hơn, do vậy các vệ tinh hoạt động trên LEO chủ yếu là các vệ tinh cung cấp dịch vụ viễn thông và liên lạc.

Chức năng của các vệ tinh trên quỹ đạo là gì?

Các vệ tinh được phóng lên quỹ đạo có nhiều chức năng và nhiệm vụ khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và phạm vi hoạt động của chúng.

Các loại vệ tinh được phóng lên quỹ đạo có nhiều chức năng khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và phạm vi hoạt động của chúng (Ảnh: NFK).

Các loại vệ tinh được phóng lên quỹ đạo có nhiều chức năng khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và phạm vi hoạt động của chúng (Ảnh: NFK).

Tuy nhiên, các vệ tinh thường có 5 chức năng chính, bao gồm: Viễn thông liên lạc; quan sát trái đất; phát triển công nghệ; điều hướng dẫn đường và nghiên cứu khoa học vũ trụ. Một số vệ tinh còn được sử dụng cho mục đích quân sự, tuy nhiên, số lượng vệ tinh này không nhiều.

Ngoại trừ vệ tinh sử dụng cho mục đích điều hướng và dẫn đường, các nhiệm vụ khác ngày nay chủ yếu được thực hiện bởi các vệ tinh nhỏ. Chẳng hạn 80% các vệ tinh phục vụ cho viễn thông và 79% vệ tinh cho nghiên cứu phát triển công nghệ đều có khối lượng dưới 300kg.

Bao nhiêu quốc gia có vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất?

Theo Orbiting Now, hiện có 105 quốc gia đăng ký vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Trong số đó, 10 quốc gia và tổ chức có số lượng vệ tinh nhiều nhất bao gồm:

1. Mỹ: 4511

2. Trung Quốc: 586

3. Anh: 561

4. Nga: 177

5. Nhật Bản: 90

6. Ấn Độ: 62

7. Canada: 56

8. Đức: 48

9. Luxembourg: 45

10. Argentina: 38

Danh sách các nước có số vệ tinh nhiều nhất hiện nay không gây ngạc nhiên vì đây là những quốc gia đã tham gia vào kỷ nguyên khám phá vũ trụ từ lâu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đầu thế kỷ XXI, mới chỉ có 14 quốc gia phóng vệ tinh lên quỹ đạo (trong đó có Việt Nam với vệ tinh Vinasat-1 phóng lên quỹ đạo vào năm 2008), nhưng đến nay đã có thêm 91 quốc gia khác thực hiện điều này.

Vệ tinh thường hoạt động ở những quỹ đạo nào?

Vệ tinh thường hoạt động ở nhiều quỹ đạo khác nhau, trong đó mỗi quỹ đạo có ưu và nhược điểm riêng. Dưới đây là một số loại quỹ đạo vệ tinh phổ biến nhất:

Các vệ tinh hoạt động trên nhiều quỹ đạo và độ cao khác nhau (Ảnh: ESA).

Các vệ tinh hoạt động trên nhiều quỹ đạo và độ cao khác nhau (Ảnh: ESA).

1. Quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO): là quỹ đạo ở độ cao từ 200 đến 2.000km. Ưu điểm của vệ tinh khi hoạt động ở quỹ đạo này đó là dễ tiếp cận và điều khiển, chi phí phóng thấp, nhưng nhược điểm đó là vùng phủ sóng nhỏ và cần nhiều vệ tinh để cung cấp dịch vụ trên phạm vi lớn.

2. Quỹ đạo Trái đất tầm trung (MEO): là quỹ đạo ở độ cao từ 2.000 đến 36.000km. Ưu điểm của vệ tinh khi hoạt động ở quỹ đạo này là có vùng phủ sóng rộng hơn và cần ít vệ tinh hơn để cung cấp dịch vụ trên diện rộng. Tuy nhiên, nhược điểm đó là tốn nhiều chi phí hơn để phóng vệ tinh và khó điều khiển hơn.

Các vệ tinh điều hướng, chẳng hạn như vệ tinh GPS, hoạt động chủ yếu ở độ cao này.

3. Quỹ đạo địa tĩnh (GEO): là quỹ đạo ở độ cao trên 36.000 km và chu kỳ quay của vệ tinh sẽ bằng chu kỳ quay của Trái Đất, khiến vệ tinh "đứng yên" một vị trí so với Trái Đất, điều này giúp vệ tinh có thể bao phủ một khu vực rộng lớn. Nhược điểm đó là chi phí phóng vệ tinh đắt đỏ và độ trễ tín hiệu cao.

4. Quỹ đạo tundra: là loại quỹ đạo đặc biệt với độ cao thay đổi, tùy thuộc theo từng nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, nhược điểm của quỹ đạo này là vệ tinh có cách thức hoạt động phức tạp hơn so với khi được phóng lên các quỹ đạo khác.

Theo Orbiting Now/Nano Avionics