DNews

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng

T.Thủy

(Dân trí) - Sau khi đã hồi sinh sói khổng lồ, loài động vật đã bị tuyệt chủng từ cách đây 12.500 năm, các nhà khoa học đặt mục tiêu sẽ hồi sinh moa khổng lồ Đảo Nam, loài chim to lớn đã tuyệt chủng từ thế kỷ XV.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng

Tranh cãi về việc hồi sinh loài sói khổng lồ đã bị tuyệt chủng

Như Dân trí đã đưa tin, các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences (Mỹ), đã tạo ra thành công ba chú sói khổng lồ con bằng cách sử dụng công nghệ nhân bản và DNA cổ đại, kết hợp với biến đổi gen của loài sói xám, họ hàng gần nhất của loài sói khổng lồ.

Kết quả cơ bản của quá trình này là tạo ra một loài lai có yếu tố di truyền và ngoại hình tương tự với tổ tiên đã tuyệt chủng của chúng.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng - 1

Colossal Biosciences đã tạo được tiếng vang trong giới khoa học khi hồi sinh thành công loài sói khổng lồ đã bị tuyệt chủng từ 12.500 năm trước (Ảnh: ABCNews).

Sự hồi sinh loài sói đã bị tuyệt chủng từ cách đây hơn 12.500 năm nhờ công nghệ sinh học đã khiến nhiều người cảm thấy hứng thú và mở ra tiềm năng hồi sinh các loài động vật khác đã bị tuyệt chủng từ lâu.

Tuy nhiên, thành quả của Colossal Biosciences cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học, khi nhiều ý kiến cho rằng những cá thể sói khổng lồ mới được tạo ra không phải là loài sói đã tuyệt chủng, mà thực chất là một loài sói hoàn toàn mới, mang bộ gen và yếu tố di truyền từ loài động vật đã tuyệt chủng.

Dù thành quả của mình đang gây ra nhiều tranh cãi, Colossal Biosciences vẫn chưa bao giờ từ bỏ tham vọng hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng. Lần này, mục tiêu của Colossal Biosciences là hồi sinh loài chim moa khổng lồ Đảo Nam.

Kế hoạch 10 năm nhằm hồi sinh loài chim khổng lồ đã bị tuyệt chủng

“Chúng tôi đang mang các loài khủng long có cánh trở lại trong vòng 10 năm tới”, đại diện Colossal Biosciences tự tin tuyên bố về kế hoạch sắp tới của công ty.

Colossal Biosciences cho biết các nhà khoa học của công ty này và các đối tác tại New Zealand sẽ cùng nhau làm việc để hồi sinh loài chim moa khổng lồ Đảo Nam (tên khoa học Dinornis robustus) thông qua công nghệ di truyền. Kế hoạch này dự kiến sẽ thu được kết quả trong vòng 10 năm tới.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng - 2

So sánh kích thước chim moa khổng lồ Đảo Nam với một người trưởng thành cao 1,8m. Cá thể chim cái lớn hơn con đực (Ảnh: Prehistoric-Wildlife).

Moa khổng lồ Đảo Nam là loài chim có chiều cao lên đến 3,6m và nặng khoảng 280kg. Đây là loài lớn nhất trong số 9 loài chim thuộc họ moa từng được biết đến.

Tất cả các loài moa đều là loài chim bản địa tại New Zealand và bị tuyệt chủng từ thế kỷ XV do con người săn bắn.

Để hồi sinh loài chim moa khổng lồ Đảo Nam, các nhà khoa học của Colossal Biosciences sẽ chiết xuất DNA từ các bộ xương còn lại của loài chim này để xác định các đặc điểm di truyền cụ thể.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng - 3

Hình ảnh minh họa về loài chim moa khổng lồ Đảo Nam bị con người săn bắn dẫn đến tuyệt chủng vào thế kỷ XV (Ảnh: Florilegius).

Sau đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành những thay đổi trong bộ gen của đà điểu Nam Mỹ hoặc đà điểu Úc, 2 loài còn sống có họ hàng gần nhất với chim moa khổng lồ Đảo Nam, để tạo ra một bộ gen mới mang đặc điểm di truyền của loài moa khổng lồ Đảo Nam.

Các tế bào của đà điểu Nam Mỹ hoặc đà điểu Úc sau khi được chỉnh sửa gen sẽ được cấy vào một vật chủ thay thế từ một trong 2 loài chim kể trên để phát triển thành phôi thai, trước khi cho ra đời một loài mới mang đặc điểm di truyền của chim moa khổng lồ Đảo Nam.

Trước đó, Colossal Biosciences cũng đã sử dụng biện pháp tương tự để tạo ra loài sói mới mang những đặc điểm di truyền của sói khổng lồ đã tuyệt chủng. Colossal Biosciences cho biết sau 6 tháng chào đời, những con sói khổng lồ đã tăng trưởng kích thước chóng mặt.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng - 4

Bộ xương khổng lồ và dấu chân của loài chim moa khổng lồ Đảo Nam (Ảnh: Alamy).

Thông báo của Colossal Biosciences một lần nữa gây ra tranh cãi trong cộng đồng khoa học, khi nhiều nhà khoa học cho rằng sản phẩm do công ty này tạo ra thực chất chỉ là một loài mới với những đặc điểm di truyền từ loài chim moa khổng lồ Đảo Nam.

“Không có con đường kỹ thuật di truyền hiện tại nào có thể thực sự khôi phục một loài đã tuyệt chủng, đặc biệt là một loài đã biến mất khỏi hệ sinh thái hàng trăm năm”, Philip Seddon, Giáo sư Động vật học tại Đại học Otago, New Zealand, bình luận. “Kết quả cuối cùng chắc chắn không phải là một con chim moa”.

Dù vậy, không ít nhà khoa học lại ủng hộ giải pháp của Colossal Biosciences và cho rằng mọi phương án nhằm hồi sinh những loài động vật đã bị tuyệt chủng đều đáng hoan nghênh.

“Việc sử dụng đà điểu Nam Mỹ và đà điểu Úc làm mẫu để căn chỉnh DNA của moa là hợp lý. Nhiều nghiên cứu về DNA đã cho thấy đà điểu Nam Mỹ là loài họ hàng gần với chim moa. Đà điểu Úc cũng là một họ hàng khá gần”, Trevor Worthy, một nhà cổ sinh vật học chuyên nghiên cứu về động vật có xương sống và Phó Giáo sư tại Đại học Flinders (Úc), ủng hộ cách làm của Colossal Biosciences để hồi sinh loài chim moa.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng - 5

Xương của loài chim moa khổng lồ Đảo Nam được lưu trữ trong bảo tàng tại New Zealand. Các nhà khoa học hy vọng sẽ dựa vào những mẫu xương này để chiết xuất DNA từ đây để tìm ra các đặc điểm di truyền của loài chim moa khổng lồ Đảo Nam (Ảnh: Alamy).

Trước đó, Colossal Biosciences cho biết công ty này có dự định hồi sinh các loài động vật đã bị tuyệt chủng như voi ma mút lông dài, chim dodo và hổ Tasmania. Đây là những loài động vật vẫn còn lưu trữ được những bộ phận để chiết xuất DNA nhằm xác định các đặc điểm di truyền.

Chim moa khổng lồ Đảo Nam có gây nguy hiểm cho con người?

Với kích thước to lớn và được ví như “khủng long có cánh”, nhiều người lo ngại rằng việc hồi sinh loài chim moa khổng lồ Đảo Nam có thể gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt khi chúng được thả ra môi trường tự nhiên hoặc bị sổng chuồng.

Các nhà khoa học sắp hồi sinh loài “khủng long có cánh” đã tuyệt chủng - 6

Chim moa khổng lồ Đảo Nam là loài ăn thực vật và không gây nguy hiểm cho con người (Ảnh: Heinrich Harder).

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Trevor Worthy, dù có kích thước to lớn, loài chim moa khổng lồ Đảo Nam không gây nguy hiểm cho con người. Moa là loài chim ăn thực vật, bao gồm lá cây, cành non, trái cây rụng… do vậy chúng không có bản năng săn mồi hay chủ động tấn công con người.

Chim moa khổng lồ Đảo Nam chỉ tấn công con người nếu họ cố tình làm chúng sợ hãi hoặc tìm cách bắt giữ.

“Moa không coi con người là mối đe dọa, ngoại trừ khi bạn cố gắng ôm, bắt giữ hoặc khiến chúng sợ hãi. Moa sẽ sử dụng cặp chân với móng vuốt sắc nhọn tung ra cú đá mạnh, có thể khiến con người bị thương nặng hoặc tử vong”, Phó Giáo sư Trevor Worthy cho biết.

Colossal Biosciences cho biết những chú chim non biến đổi gen sau khi được chào đời sẽ không được thả vào tự nhiên cũng như không được nuôi trong sở thú, nghĩa là chúng sẽ sống hết phần đời của mình trong một khu bảo tồn thiên nhiên của công ty.

Nếu thực sự hồi sinh thành công loài chim moa khổng lồ Đảo Nam, dù chỉ bằng cách tạo ra loài mới với những yếu tố di truyền của loài đã tuyệt chủng, đây vẫn được xem là một thành quả đáng ghi nhận của Colossal Biosciences, mở ra cơ hội để thực hiện tham vọng hồi sinh các loài động vật đã bị tuyệt chủng khác trong tương lai.