DMagazine

"Quả bom kép" nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21

(Dân trí) - Thế giới đã có thêm 1 tỷ người trong 12 năm. Hậu quả đối với hành tinh, sự tồn vong của con người giờ đây phụ thuộc vào chính khả năng chúng ta thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những dự đoán đã được công bố của nhà tiên tri mù Baba Vanga về tương lai của nhân loại khiến chúng ta phải "giật mình" vì nhiều điểm tương đồng với các sự kiện đã xảy ra, điển hình như việc ngày càng nhiều thảm họa thiên nhiên xuất hiện trên hành tinh.

Bà Vanga dự đoán vào năm 2023, một vụ nổ trong một nhà máy điện hạt nhân trên lục địa châu Á, việc sử dụng vũ khí sinh học từ chiến tranh của các quốc gia có thể gây ra hàng trăm nghìn người chết trên toàn thế giới và một cơn bão mặt trời có cường độ chưa từng có sẽ có tác động tàn phá trên Trái Đất.

Vào cuối thế kỷ này, chúng ta dường như sẽ bắt đầu sử dụng Mặt Trời nhân tạo, đến năm 2130, con người sẽ bắt đầu sống dưới nước.

Nhà tiên tri mù cũng đưa ra mốc thời gian tuyệt chủng của loài người trên Trái Đất vào năm 3797. 

Chúng ta có nhiều lý do lo sợ khi những nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế công bố gần đây đưa ra nhiều cảnh báo về những thảm họa thiên nhiên ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt trong thời điểm bùng nổ dân số trên thế giới. 

Nó giống như "quả bom kép" đe dọa Trái Đất và chúng ta cần phải làm gì để tồn tại trong tương lai?

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 1

Vào năm 1800, dân số thế giới chỉ đạt 1 tỷ người, song thời điểm cuối năm 2022, chúng ta đã chào đón công dân thứ 8 tỷ.

Chỉ trong vòng 50 năm, con người có mặt trên Trái Đất này đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 1974 (dân số khi đó chỉ 4 tỷ người). 

Sự tăng trưởng dân số chủ yếu diễn ra ở các nước châu Phi, nơi cứ ba người thì có một người sẽ sống vào năm 2100.

Ước tính của các nhà nhân khẩu học từ Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) ở Áo và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ (IHME), nhân loại sẽ có khoảng 9,4 đến 9,7 tỷ người vào cuối thế kỷ này, trong khi Liên Hợp Quốc đưa ra dự đoán là 10,4 tỷ người vào khoảng những năm 2080.

Nguyên nhân dẫn đến điều này do sự phát triển của hệ thống y tế, khoa học công nghệ và năng suất nông nghiệp tăng,... khiến cho tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm, trong khi tuổi thọ tăng lên.

Nhưng con số này lại đang che giấu một sự thay đổi kỳ lạ. 

Dự đoán vào cuối năm 2100, sự tăng trưởng dân số liên tục trên thế giới được cho là sẽ dừng lại đột ngột và con người sẽ bị những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Dĩ nhiên, ở hiện tại chúng ta đã và đang cảm nhận được hậu quả của vấn đề này.

Patrick Gerland, người giám sát các dự báo Bộ phận Dân số của Liên Hợp Quốc cho biết: "Có một sự đồng thuận của các tổ chức nghiên cứu về nhân khẩu học chính là dân số thế giới có thể sẽ đạt đỉnh điểm trước cuối thế kỷ này.

Trẻ em và có thể người lớn sống ngày nay có thể là những người đầu tiên chứng kiến dân số thế giới trì trệ thậm chí là giảm, đồng hành cùng nó là một viễn cảnh hậu quả của biến đổi khí hậu".

Sự gia tăng dân số trong 25 năm tới, nhiều khả năng chỉ diễn ra ở 8 quốc gia ở Châu Á và Châu Phi bao gồm Pakistan, Philippines, Ấn Độ, Ai Cập, Ethiopia, Tanzania, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo. 

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 3

Ở hiện tại, chúng ta có thể thấy sự thay đổi rõ rệt nhất đến từ Trung Quốc và Nigeria, người dân hai quốc gia này đang phải đối mặt với những thực thế trái ngược nhau.

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc trong năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, Trung Quốc sẽ không còn là quốc gia đông dân nhất trên thế giới, ngôi vương này sẽ bị Ấn Độ vượt qua.

Nhưng ngay cả trước khi Trung Quốc áp dụng chính sách một con vào năm 1980, tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm. 

Quốc gia này đã tạo nhiều điều kiện và cơ hội trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp cho phụ nữ, khiến nhiều người trong số họ trì hoãn hay từ bỏ thiên chức làm mẹ, thậm chí cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Trung Quốc hiện có khoảng 1,4 tỷ người với tuổi thọ trung bình tăng thì sự suy giảm dân số cũng đã bắt đầu. 

Vào năm 2050, Trung Quốc có thể có đến 500 triệu người trên 60 tuổi, việc này dẫn đến một thách thức lớn, sự chênh lệch giữa hai tầng lớp trẻ và già.

Ở một lục địa xa hơn - Châu Phi, tình hình lại rất khác.

Nigeria là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, độ tuổi trung bình của người dân nước này chỉ là 18,3 tuổi, thấp hơn một nửa độ tuổi trung bình ở Trung Quốc. 

Dù tỷ lệ sinh tại Nigeria đang giảm, nhưng con số vẫn cao hơn khoảng 5 lần so với Trung Quốc. 

Dân số Nigeria hiện khoảng 224 triệu người, đông nhất trong khu vực, song con số có thể tăng hơn gấp 3 lần trước thế kỷ này. 

Nhìn vào tương lai của Nigeria qua con mắt của em bé Eziaku, người sẽ lớn lên ở một nơi mà cuộc sống sẽ khác xa với quê hương mà bố mẹ đứa bé đã từng sống.

Em bé Eziaku lặng lẽ nằm trong vòng tay của mẹ Amara, em ra đời tại một bệnh viện tư nhân, điều này đã đánh dấu một sự thay đổi lớn so với cách mẹ cô được sinh ra. 

Amara sinh ra ở thành phố Benin vào năm 1988, dân số Nigeria thời điểm đó chỉ là 90,4 triệu người.

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 5

"Khi tôi lớn lên, mẹ tôi đã chỉ cho tôi người phụ nữ đã giúp bà ấy sinh tôi. Tôi không nghĩ cô ấy là y tá hay nữ hộ sinh. Hồi đó, chăm sóc sức khỏe chủ yếu là tự làm. Tôi không nhớ đã bao giờ đến bệnh viện khi còn nhỏ. 

Mẹ tôi chỉ hỏi người dân xung quanh phải làm gì bất cứ khi nào các con cảm thấy không khỏe và sau đó tự điều trị như những gì họ nói. Nếu bạn bị sốt, hãy uống cái này. Nếu bạn bị đau bụng, hãy uống nó", Amara chia sẻ với PV của National Geographic.

Nhiều phụ nữ ở Nigeria vẫn chọn đến nữ hộ sinh truyền thống để sinh con thay vì bệnh viện, không chỉ vì họ tin tưởng những người phụ nữ này "giàu kinh nghiệm" này mà một phần lớn lý do là họ (nữ hộ sinh) còn ở gần nhà và giá cả phải chăng hơn. 

Tỷ lệ trẻ sơ sinh Nigeria sinh ra trong các cơ sở y tế đã tăng hơn 85% kể từ khi Amara còn là một đứa trẻ, nhưng vẫn chiếm chưa đến một nửa số ca sinh nở của đất nước.

Amara đã sinh đứa con đầu lòng trong một bệnh viện chính phủ, nhưng sau khi nghe những câu chuyện đáng lo ngại về việc chăm sóc không đầy đủ tại một số bệnh viện của nhà nước ở thủ đô Abuja, cô quyết định sinh bé Eziaku trong một cơ sở tư nhân, dù viện phí đắt gấp 5 lần. 

Song bất ngờ lại xảy ra khi người mẹ hai con này lại phát hiện ra rằng mình lại có thai đứa thứ 3. 

"Tôi đã tự hỏi mình sẽ chăm sóc đứa bé như thế nào, bởi vì tôi không có việc làm," cô ấy nói. 

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 7

Trong khi chồng cô, Kenneth quan tâm nhiều hơn đến việc liệu thai nhi này có phải là một cậu bé hay không. 

"Chúa sẽ luôn chu cấp cho bất kỳ đứa trẻ nào mà Ngài mang đến", Kenneth chia sẻ với National Geographic.

Song hy vọng của anh đã bị dập tắt khi đứa con là gái, "không vấn đề gì, tôi sẽ mang lại cho con bé tất cả sự hỗ trợ tốt nhất mà nó cần", anh cho biết thêm.

Người cha của 3 đứa con này đang làm việc trong Bộ Khoa học và Công nghệ của Chính phủ, cặp đôi kết hôn vào năm 2019. Vào thời điểm đó, Amara đang học thạc sĩ về khoa học máy tính. 

Thu nhập hàng tháng mà anh nhận được gần gấp 4 lần mức lương tối thiểu của quốc gia là 30.000 nairas (66 đô la) một tháng, trong khi Amara vẫn đang phải vật lộn để tìm việc làm kể từ khi tốt nghiệp.

Hiện tại hơn một phần ba người Nigeria thất nghiệp, với 17% trong số đó là những người có bằng cấp cao. 

Amara và 3 đứa con sẽ phải sống từ tiền lương chưa đến 260 đô la Mỹ (tương đương 6 triệu đồng) mỗi tháng của chồng.

Gần một phần ba người Nigeria sẽ sống trong cảnh nghèo đói cùng cực (bằng khoảng một nửa số người sống trong cùng cảnh nghèo đói ở Ấn Độ), một quốc gia có dân số gấp 6 lần Nigeria.

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 9

Ở Nigeria, nạn đói đe dọa hàng triệu người.

Thế giới sẽ giúp đỡ Nigeria như nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra? 

Dù đây là nhà cung cấp dầu mỏ lớn với nguồn tài nguyên giàu có. Song tình trạng mất an ninh, bạo lực gia tăng từ các tổ chức tội phạm, thiên tai và đại dịch toàn cầu vẫn đang phủ bóng tối nặng nề đến quốc gia châu Phi này.

Đặc biệt, vấn đề nóng lên toàn cầu đang trở thành mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã đã biến mất nhanh chóng, mất an ninh lương thực và nguồn nước đang tác động nặng nề đến Nigeria và trên toàn thế giới. 

Khu vực Benue, phía bắc Nigeria, nước là một tài nguyên khan hiếm do biến đổi khí hậu và những đứa trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cộng đồng cư dân ở đây.

Cô bé Ngohide Terlumun (11 tuổi) là một trong những nạn nhân của tình trạng này.

Ngồi xổm gần một cái hố để lấy nước, Terlumun cúi đầu tuyệt vọng khi được hỏi về tình hình nước ở bang Benue.

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 11

Chia sẻ với tờ báo The Cable, Terlumun kể về những "trận chiến" liên tục với dịch bệnh mà cộng đồng cư dân ở đây phải đối mặt như dịch tả, tiêu chảy và bệnh sán máng.

Cô tỏ ra rất buồn khi không thể đến trường học vào buổi sáng do phải đi lấy nước và làm công việc nhà.

"Tôi ước chính phủ có thể cung cấp một nguồn nước sạch hơn như đào lỗ khoan nước ngầm cho người dân để chúng tôi có thể ngừng uống nước này," cô ấy nói.

Ajibe Terlumun, cha của Ngohide Terlumun cho biết, họ sử dụng nước từ một dòng suối bẩn, nhưng khi nó khô đi, người dân ở đây phải đào hố trên mặt đất để tìm nước. 

Cộng đồng bang Benue nhận thức được rằng, nước mà họ đang sử dụng không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn dùng nó vì không còn cách nào khác.

Trẻ em ở khu vực phía bắc Nigeria là một phần trong số 920 triệu trẻ em trên thế giới hiện đang tiếp xúc với tình trạng khan hiếm nước và nó có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu làm tăng mức độ nghiêm trọng của hạn hán và ô nhiễm.

Sự nóng lên toàn cầu đang tàn phá của sống của chúng ta, buộc các chính phủ các quốc gia phải hành động và con người học cách thích nghi để có thể tồn tại.

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 13

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc cho biết, các quốc gia trên thế giới đã hành động không đủ nhanh để giảm phát thải khí nhà kính và mức độ thay đổi đáng báo động trong hệ thống khí hậu toàn cầu là chưa từng có trong vài thế kỷ, thậm chí hàng nghìn năm qua.

Theo IPCC, các cam kết hiện tại của các quốc gia về chống biến đổi khí hậu vẫn sẽ khiến nhiệt độ trung bình trên thế giới tăng 2,4⁰C vào cuối thế kỷ này. 

Điều này xuất phát từ việc chúng ta phụ thuộc quá mức và dai dẳng vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ đã làm trầm trọng thêm sự nóng lên toàn cầu và gây ra những tác động nguy hiểm đến sức khỏe.

Vào năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, từ năm 2030 đến năm 2050, mỗi năm có thêm gần 250.000 ca tử vong do biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ tăng cao ngày nay đã khiến gần 100 triệu người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, so với giai đoạn 1981-2010.

Khi dân số thế giới ngày càng đông, bảo vệ sức khỏe chúng ta là một thách thức lớn. 

Trên thực tế, con người trên toàn thế giới đã và đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra. 

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 15

Châu Âu chính là bức tranh điển hình của vấn đề này.

Trong năm 2022, châu Âu đã phải đối mặt với sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nền kinh tế, hệ sinh thái và tác động vô số đến sức khỏe của người dân.

Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ tử vong và bệnh tật, lây truyền virus từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, nước và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Sự kết hợp của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và sự già hóa dân số dẫn đến tính dễ bị tổn thương trước nhiệt độ nắng nóng và nó sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm trong những năm tới.

Ở góc độ toàn cầu, các ca tử vong liên quan đến nhiệt đã tăng 68% từ năm 2017 đến năm 2021 (so với năm 2000-2004) và việc con người tiếp xúc với những ngày nắng nóng cực cao gây nguy cơ hỏa hoạn cũng tăng 61%.

Đáng chú ý, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, điển hình như bệnh sốt rét đã tăng gần một phần ba (32,1%) ở một số khu vực của Châu Mỹ và 14% ở Châu Phi trong thập kỷ qua, so với giai đoạn 1951-1960.

Nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết cũng đã tăng 12% trong giai đoạn này.

"Khủng hoảng khí hậu đang giết chết chúng ta. Nó không chỉ gây hại cho sức khỏe hành tinh mà còn đối với tất cả cư dân, trong khi việc con người "nghiện" nhiên liệu hóa thạch đã trở nên ngoài tầm kiểm soát", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres phản ứng và kêu gọi đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 17

Kể từ năm 1992 đến nay, ngành năng lượng toàn cầu - ngành đóng góp lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất, chỉ giảm được dưới 1% về cường độ phát thải carbon. 

Với tốc độ hiện tại, ước tính phải mất tới khoảng 150 năm để có thể khử carbon hoàn toàn ra khỏi hệ thống năng lượng thế giới.

Paul Ekins, Giáo sư Tài nguyên và Chính sách, Trường Bartlett, Đại học College London (Vương quốc Anh) cho biết: "Các chiến lược hiện tại của nhiều chính phủ và công ty sẽ "khóa" thế giới trong một tương lai ấm áp hơn gây chết người và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng đe dọa sự sống trên thế giới". 

Để đối phó, các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi một "phản ứng lấy sức khỏe làm trung tâm". 

Chỉ riêng trong năm 2020, số người chết vì ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây ra là 1,3 triệu người, do đó việc cải thiện chất lượng không khí sẽ ngăn ngừa một phần vấn đề này. 

Giải pháp được các quốc gia trên thế giới ưu tiên, trong đó có cả Việt Nam chính là chuyển dịch năng lượng, loại bỏ dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp xanh. 

Đây sẽ là cả một quá trình dài và để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau với một chiến lược quyết sách cụ thể.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang trên đường đến một tương lai đông dân hơn. 

Hy vọng sự tiến bộ của khoa học sẽ giúp con người tìm ra các vật liệu thay thế, công nghệ xanh để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu và con người sẽ nhanh chóng thích nghi với thực tế mới này.

Quả bom kép nhân loại có nguy cơ đối mặt cuối thế kỷ 21 - 19

Nội dung: Đoàn Trung Nam

Thiết kế: Tuấn Huy

(Tổng hợp từ National Geographic, Sciencesetavenir, The Cable, Ledevoir)