Thế giới đang đi sai hướng, tác động biến đổi khí hậu ngày càng tàn khốc
(Dân trí) - Đây là lời cảnh báo được công bố trong báo cáo "United in Science", biến đổi khí hậu đang đi theo một chiều hướng khó kiểm soát, đe dọa đến hành tinh của chúng ta.
Các nhà khoa học đã đưa ra những lời cảnh báo khí hậu trong nhiều năm, song dường như lãnh đạo các quốc gia và nhiều tập đoàn công nghiệp vẫn chưa đủ nhanh để có những biện pháp giảm thiểu vấn đề này.
Theo một báo cáo mới được công bố vào ngày 13/9 của United in Science từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), chúng ta đang đi sai hướng và tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tàn khốc.
Cụ thể, lượng khí thải độc hại từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng, vượt quá mức trước đại dịch. Đặc biệt, thế giới đã ghi nhận nhiệt độ trung bình nóng nhất trong bảy năm qua.
WMO cho biết trong một tuyên bố: "Trong 5 năm tới, sẽ có ít nhất 1 năm có nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C so với mức ghi nhận được từ năm 1850 đến năm 1900. Điều này, có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 48%".
Điều này cho thấy khoảng cách giữa các mục tiêu về khí hậu mà các quốc gia đặt ra so với thực tế là rất lớn, khiến các chuyên gia lo ngại những ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và con người.
Theo WMO, hiện nay, thế giới cần tăng cường các biện pháp đến hệ thống cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu để bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương của các quốc gia.
Phản ứng chậm
Những đợt nắng nóng trên thế giới trong màu hè vừa qua đã gây hạn hán, hỏa hoạn ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ hay lũ lụt ở Pakistan,... đi cùng với đó là số người thương vong không hề nhỏ, lên đến cả nghìn người.
Đặc biệt tại hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã ghi nhận hơn 2.000 người chết do làn sóng nhiệt xảy ra vào tháng 7.
"Mức độ thiệt hại của những thảm họa này không phải tự nhiên mà có. Chúng là cái giá phải trả cho sự phụ thuộc của nhân loại vào nhiên liệu hóa thạch", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres cho biết.
Bất chấp những cảnh báo từ các nhà khoa học, các tổ chức về khí hậu và những sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra gần đây, có lẽ vẫn chưa đủ cảnh tỉnh để chúng ta thực sự hành động giúp giảm thiểu khí thải vào môi trường.
Dữ liệu mà các chuyên gia đo được cho thấy, mức độ khí thải carbon dioxide, metan, nitơ oxit trong khí quyển tiếp tục tăng (dù có giảm tạm thời trong đại dịch Covid-19).
Đáng chú ý, khí thải CO2 toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 5/2022 cao hơn 1,2% so với mức phát thải được ghi nhận cùng kỳ vào năm 2019.
Mặt khác, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã đẩy giá khí đốt tăng cao, buộc Chính phủ một số quốc gia châu Âu quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch khiến lượng thải khí CO2 ra môi trường ngày càng lớn hơn.
Báo cáo còn nhấn mạnh rằng, tham vọng cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia đến năm 2030 phải cao hơn 4 lần để có thể hạn chế sự nóng lên + 2 độ C và gấp 7 lần để phù hợp với mục tiêu + 1,5 độ C do Thỏa thuận Paris đề ra.
Giải pháp khẩn cấp
Nếu các Chính phủ duy trì các chính sách môi trường hiện tại, các chuyên gia dự đoán rằng sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ 21 này sẽ ở mức từ 2,3 đến 3,3 ⁰C.
Hậu quả của việc này vô cùng khủng khiếp, cụ thể đến năm 2050 khoảng 1,6 tỷ người tại 970 thành phố trên thế giới (chiếm 55% dân số) sẽ phải sống trong môi trường với mức nhiệt độ trung bình 3 tháng đạt ít nhất 35 độ C.
Điển hình như 2 quốc gia Ấn Độ và Pakistan phải gánh chịu trong năm nay, từ tháng 3 đến tháng 5. Nhiệt độ đã có thời điểm đạt gần 50 ⁰C tại một số thành phố.
Đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội và sớm này đã khiến 90 người dân Ấn Độ tử vong và gây ra tình trạng cắt điện, thiếu nước cho hàng triệu người.
Kể từ năm 2010, các đợt nắng nóng đã giết chết hơn 6.500 người ở Ấn Độ. Trong khi, một phần lớn dân số Ấn Độ sống trong các khu dân cư có thu nhập thấp và do đó càng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ khắc nghiệt.
Các thành phố ven biển cũng đang bị đe dọa đặc biệt bởi biến đổi khí hậu: người dân sẽ phải đối phó với tình trạng lũ lụt ngày càng thường xuyên và lan rộng do mực nước biển dâng cao từ việc băng tan ở các cực.
Hiện tại, các điểm giới hạn khí hậu hiện đang được giám sát chặt chẽ, mỗi điểm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ở cấp độ toàn cầu ví như sự tan chảy của các sông băng ở vùng cực và sự khô cạn của rừng nhiệt đới Amazon nói riêng đang rất được quan tâm, những tác động toàn cầu mà những hiện tượng này gây ra là vô cùng lớn.
Cùng với đó, số lượng các thảm họa liên quan đến thời tiết đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, gây thiệt hại 202 triệu đô la mỗi ngày.
Điều này khiến các chuyên gia phải thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm những rủi ro về biến đổi khí hậu (với khoảng một nửa quốc gia trên thế giới đang không có hệ thống này) để có thể hạn chế nhất thiệt hại vật chất và con người do vấn đề này gây ra.
Một trong những ưu tiên quốc tế chính là đảm bảo rằng tất cả mọi người trên hành tinh đều được bảo vệ. Đặc biệt, các siêu cường quốc phải chịu trách nhiệm chính về phần lớn lượng khí thải CO2, bằng việc viện trợ tài chính, hỗ trợ các nước đang phát triển dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học hy vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 27) sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới đây tại Ai Cập sẽ là cơ hội để các quốc gia trên thế giới xác định các kế hoạch hành động mới nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu này.