Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khoa học cơ bản là động lực cho phát triển bền vững
(Dân trí) - “Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, tăng cường năng lực quốc gia”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Sáng 7/7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII. Chương trình thu hút trên 200 đại biểu là các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và trong nước. Đặc biệt, có sự góp mặt của 5 nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel.
Phát biểu tại Hội thảo “Khoa học cơ bản và xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Khoa học cơ bản là động lực cho phát triển bền vững, giúp Việt Nam vươn lên thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.
“Tôi không phải là nhà khoa học nhưng tôi nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, vai trò không thể thiếu được của các nhà khoa học trong sứ mệnh làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Cảm ơn giáo sư Trần Thanh Vân, giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cùng các cộng sự đã hết sức tâm huyết để Gặp gỡ Việt Nam góp phần mang tới hơi thở và sắc màu mới cho khoa học Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
“Cũng có ý kiến cho rằng những nước như Việt Nam chỉ nên tập trung vào ứng dụng khoa học công nghệ, còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, của các nước phát triển nhưng Chính phủ Việt Nam không nghĩ như vậy. Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng để tăng cường năng lực quốc gia”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết thêm: Ngay sau khi giành độc lập, Chính phủ cho thành lập nhiều khoa cơ bản trong trường đại học. Trong chiến tranh, Chính phủ chọn và cử hàng ngàn học sinh xuất sắc đi du học nước ngoài về khoa học. Thời kỳ đổi mới, từ những năm 90, Chính phủ đã triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ cán bộ khoa học, hỗ trợ nhiều đề tài nghiên cứu về Vật lý, Toán học, Khoa học về Trái đất, khoa học về con người… Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư về nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, năm vừa rồi, ngân sách dành cho nghiên cứu đã tăng gấp 10 lần. Quỹ Phát triển và Khoa học công nghệ quốc gia cũng giành phần lớn tài trợ cho các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Không chỉ đầu tư về vật chất, khoa học nói chung và khoa học cơ bản luôn được nhà nước và xã hội đặc biệt tôn vinh ở Việt Nam. Những giải thưởng cao quý nhất như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về khoa học được giành cho các công trình nghiên cứu về khoa học, các nhà khoa học xuất sắc. Gần đây, Bộ Khoa học & Công nghệ đã trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các công trình nghiên cứu về khoa học cơ bản.
“Tại sao chúng ta lại không thể lạc quan tin rằng, 30 năm sau, lễ kỷ niệm 50 năm sinh nhật “Gặp gỡ Việt Nam” sẽ được tổ chức với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, trong đó nhà khoa học trẻ đang có mặt ở đây ngày hôm nay. Tại lễ kỷ niệm đó một điều sẽ được nhấn mạnh rằng có nhiều nhà khoa học dành được giải thưởng Nobel và các giải thưởng khoa học cao quý khác sau khi tham gia “Gặp gỡ Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Để mong muốn đó trở thành hiện thực, Phó Thủ tướng cho rằng một trong những điều kiện là chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian Khoa học Quy Nhơn hoàn thiện tiếp tục phát triển, hoạt động nhộn nhịp, hiệu quả. Về sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã cam kết ủng hộ và sẽ không thay đổi”.
Doãn Công