1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giáo sư Trần Thanh Vân: Nhiều người hiểu sai về tầm quan trọng của khoa học cơ bản

(Dân trí) - Chủ đề hội nghị hàng năm của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” luôn xoay quanh đến các vấn đề của khoa học cơ bản. Vậy khoa học cơ bản có vị trí then chốt ra sao, các hội nghị quốc tế giúp gì cho Việt Nam… ? Giáo sư Trần Thanh Vân đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo Điện tử Dân trí.

Đừng quên tầm quan trọng của khoa học cơ bản

Phóng viên: Thưa Giáo sư, được biết chủ đề hội nghị lớn nhất của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” năm 2016 được các tổ chức khoa học quốc tế chọn là “Khoa học cơ bản và xã hội”. Ở Việt Nam dường như nhiều người chưa đánh giá được đúng tầm quan trọng của khoa học cơ bản, phải chăng đây sẽ là tiền đề để thay đổi?

Giáo sư (GS)Trần Thanh Vân: Hội nghị với chủ đề “Khoa học cơ bản và xã hội” là một hội nghị đặc biệt trong chuỗi hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” do các tổ chức khoa học quốc tế muốn nhấn mạnh kỷ niệm 50 năm thành lập “Gặp gỡ Moriond” mà tôi cùng một nhóm bạn đã thành lâp từ năm 1966 tại Pháp và đã tổ chức hàng năm bên Châu Âu với sự tham gia của các nhà khoa học trên khắp năm Châu. Sở dĩ chọn chủ đề này là vì Gặp gỡ Việt Nam và các tổ chức khoa học quốc tế mong muốn các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách không quên khoa học cơ bản và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển xã hội về mọi mặt trong thời đại mà nhiều người hiểu sai về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với xã hội.

Khoa học ứng dụng đã mang lại những lợi ích trước mắt nhưng không có khoa học cơ bản thì không thể có các cuộc cách mạng về khoa học và không tạo được cơ sở, nền tảng cho khoa học ứng dụng. Thực tế cho thấy, các quốc gia tiên tiến, phát triển về khoa học, công nghệ luôn là những quốc gia chú trọng phát triển khoa học cơ bản.


GS Trần Thanh Vân (Ảnh: ICISE)

GS Trần Thanh Vân (Ảnh: ICISE)

Gặp gỡ với “tinh thần Moriond”

Phóng viên: Có một điều mà nhiều người đang thắc mắc, vì sao đa số các hội nghị khoa học quốc tế do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức có số người tham dự không quá lớn như nhiều hội nghị khác với số lượng lên đến hàng nghìn người. Giáo sư có thể chia sẻ về điều này?

GS Trần Thanh Vân: Như các bạn đã biết, mô hình mà tôi đề xuất từ năm 1966 thông qua “Gặp gỡ Moriond” là những cuộc “gặp gỡ khoa học” với số lượng các nhà khoa học không quá nhiều. Với quy mô không quá lớn các cuộc gặp gỡ khoa học này có thể tập hợp các nhà khoa học cùng chuyên môn (hay gần gũi về chuyên môn) lại với nhau để trao đổi học thuật vì vậy chất lượng chuyên môn đòi hỏi rất cao. Số lượng người không quá nhiều giúp cho cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tương tác của các nhà khoa học tham dự được tăng lên. Điều này giúp ích rất lớn cho các nhà khoa học trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Để chuẩn bị cho nhiều nhà khoa học trẻ còn ít kinh nghiệm được tham dự trong tương lai, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã đồng thời tổ chức, từ năm 1994 đến nay, các lớp học chuyên đề trong đó các giáo sư dự hội nghị dành thời gian đến dạy, lớp học được diễn ra trong hai tuần liên tiếp.

Một điểm tôi muốn nhân mạnh ở đây là: tôi đã chọn danh từ “Gặp Gỡ’, chứ không phải “hội nghị hay hội thảo”. Từ này 50 năm trước chưa hề được dùng trong các sự kiện như vậy vì tôi muốn các nhà khoa học, có tên tuổi hay trẻ đều thảo luận với nhau. Nơi đây không phải mình chỉ đạo là được nghe theo. Tôi đã phải tạo ra không khí thư giãn bằng cách tạo một không gian kích thích tinh thần cởi mởi và tổ chức đi trươt tuyết giữa ngày hay trao đổi về văn hóa bằng cách tham quan, sau đó tiếp tục làm việc trở lại vào buổi tối. Theo nếp làm việc (và giao lưu) rất mới mẽ này (vào thời đó chưa hề có), sau 50 năm, một cách tự nhiên một tinh thần mới "“yêu chuộng gặp gỡ” từ từ đã ra đời, đã được tồn tại trong hơn nữa thế kỷ và đã được các nhà khoa học quốc tế đặt tên là “tinh thần Moriond” (Moriond spirit)

Thông qua đó, các nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm để học hỏi thêm và tạo ra những kết nối hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Một hội nghị quá lớn thì chủ đề rộng và sẽ rất khó tạo ra những cơ hội tiếp xúc, học hỏi cho các nhà khoa học trẻ. Các bạn cũng biết thực tế đã xảy ra là, trong các hội nghị khác, các danh nhân thì chỉ ráp với nhau hay sẽ bị xoay quần chung quanh bởi rất đông người (thậm chí có khi chỉ để xin chữ ký mà thôi !).

Hội Gặp gỡ Việt Nam luôn tổ chức hội nghị khoa học trong tinh thần tổ chức với quy mô nhỏ và hết sức sâu sắc về mặt chuyên môn khoa học.

Làm khoa học thì rất khó có thể nhìn thấy lợi ích một cách nhanh chóng

Phóng viên: Các hội nghị khoa học do Gặp gỡ Việt Nam tổ chức có ý nghĩa gì cho phát triển kinh tế-xã hội của Bình Định nói riêng và của Việt Nam nói chung?

GS Trần Thanh Vân: Đã nói làm khoa học thì rất khó có thể nhìn thấy các lợi ích một cách nhanh chóng. Một điều quan trọng là nền kinh tế phát triển bao giờ cũng đi đôi với sự phát triển của sự “hiểu biết” tức là kiến thức của dân chúng dựa trên một nền giáo dục vững chắc, (một rất phần lớn) dựa trên phát triển về khoa học cơ bản và do đó phát triển của khoa học ứng dụng

Các hội nghị khoa học cũng giúp đóng góp làm giàu cho sự hiểu biết về khoa học cho các nhà khoa học trẻ, giúp kết nối giới khoa học trong nước và giới khoa học quốc tế để đóng góp trong công cuộc xây dựng “từng bước” một nền khoa học tại Việt Nam phát triển hơn trong tương lai. Đây là điều mong mỏi nhất của Hội Gặp gỡ Việt Nam.

Nói như vậy không có nghĩa các hội nghị quốc tế này không có ý nghĩa gì giúp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Dù không trực tiếp nhưng thông qua những cuộc gặp gỡ khoa học này từ năm 2011, các nhà khoa học quốc tế từ hơn 20-30 quốc gia đã biết đến Quy Nhơn, Bình Định, biết về Việt Nam hơn từ đó nâng cao hình ảnh và quảng bá Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng ra thế giới.

Làm khoa học thì rất khó có thể nhìn thấy lợi ích một cách nhanh chóng
Làm khoa học thì rất khó có thể nhìn thấy lợi ích một cách nhanh chóng

Những hiệu ứng như vậy giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của du lịch, dịch vụ và có thể có những hiệu ứng khác không thể tính toán được vì đằng sau mỗi con người là một mạng lưới các mối quan hệ. Những quan hệ của các nhà khoa học có thể giúp ích cho Bình Định, cho Việt Nam ở một số lĩnh vực nào đó như là một tiềm năng lớn mang lại từ các hội nghị. Hơn nữa, sự giao lưu văn hóa sẽ tạo một nền tảng tốt cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Một mặt khác không kém quan trọng là các hội nghị khoa học này được đưa về Việt Nam tổ chức nhằm chứng minh cho thế giới thấy ở Việt Nam cũng có thể tổ chức được các hội nghị khoa học đỉnh cao, từ đó nâng cao hình ảnh khoa học của Việt Nam đối với khoa học thế giới. Và ngược lại chúng cũng chứng minh và chỉ ra cho giới khoa học Việt Nam thấy chúng ta có thể tổ chức được mô hình các hội nghị khoa học quốc tế với chất lượng chuyên môn cao.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, vì sao Gặp gỡ Việt Nam chọn tổ chức các lớp học Vật lý quốc tế với các chủ đề về Vật lý hạt cơ bản, Vật lý Thiên văn, Vật lý nano mà không phải là những chuyên ngành khác?

GS Trần Thanh Vân: Vật lý hạt cơ bản, Vật lý thiên văn và Vật lý Nano là những ngành khoa học rất có tương lai. Hiện tại ở Việt Nam đang còn thiếu nhân lực nghiên cứu về các lĩnh vực này. Việc tổ chức các lớp học quốc tế chuyên đề này giúp cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam có cơ hội tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này để từ đó từng bước xây dựng đội ngũ khoa học cho Việt Nam.

Một cách cụ thể là nhờ các lớp học chuyên đề một số khá lớn nghiên cứu sinh, sau vài khóa học được các thầy chọn để làm tiến sĩ nơi các Đại học và viện khảo cứu ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ…

Trong tương lai, khi có điều kiện Hội Gặp gỡ Việt Nam có thể sẽ tổ chức thêm những lớp học thuộc các lĩnh vực khác nhưng luôn tìm kiếm những chủ đề mà Việt Nam đang thiếu và đang cần để giúp ích cho khoa học Việt Nam. Một thí dụ cụ thể: năm nay sẽ tổ chức một hội nghị về biophysics (lý sinh học). Các ngành Vật lý, Toán, Sinh và Tin học... là những ngành đã có rất nhiều tương tác và đã tạo ra nhiều ứng dụng trong ngành y, ứng dụng về sức khỏe của con người mà xã hội hiện nay đã hưởng thụ. Thêm nữa, giáo dục về văn hóa sẽ cho nhân loại ý thức về nhu cầu chia sẽ các ứng dụng với các nước còn đang gặp khó khăn trong phát triển, (tôi rất tiếc chưa dùng được từ “đang phát triển” cho các nuớc này). Các nước phát triển có bổn phận chia sẽ “kiến thức” đến các nước này một cách thành thật và mãnh liệt hơn!

Cần từng bước xây dựng vài “viện nghiên cứu quốc tế”

Phóng viên: Làm thế nào để khoa học Việt Nam có thể khai thác được lợi ích từ các hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thưa Giáo sư?

GS Trần Thanh Vân: Trước hết Việt Nam cần từng buớc xây dựng vài “viện nghiên cứu quốc tế”, liên kết với các trường đại học và các Viện khảo cứu quốc tế nhưng không quá đồ sộ trong khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, nơi miền Trung Việt Nam để tận dụng sự có mặt của hàng nghìn nhà khoa học quốc tế giỏi về Trung tâm ICISE hàng năm, đặc biệt là lĩnh vực Vật lý hạt cơ bản, Vật lý thiên văn, Vật lý Nano. luôn cả Toán, Sinh, Tin học…

Giáo sư Trần Thanh Vân là người có đóng góp rất lơn trong việc đưa các nhà khoa học từng đạt giải Nobel tới Việt Nam
Giáo sư Trần Thanh Vân là người có đóng góp rất lơn trong việc đưa các nhà khoa học từng đạt giải Nobel tới Việt Nam

Xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết với các trường đại học có uy tín trên thế giới tại Đại học Quy Nhơn để tận dụng nguồn chất xám trình độ cao của các nhà khoa học đến ICISE dự hội nghị hay công tác.

Trong qua trình hội nghị được diễn ra, một số các giáo sư đã sẵn sàng dành ra thì giờ để đến các trường THPT nói chuyện và trao đổi về một đề tài “ruột” của họ với học sinh và hứa sẽ trở lại để vừa dự hội nghị vừa “theo dõi” đặc biệt một vài học sinh để giải nghĩa những thắc mắc về học tập… Nói điều này để chứng minh là các nhà khoa học đến dự “Gặp gỡ Việt Nam” có một tinh thần đặc biệt: “gặp gỡ” theo tinh thần Moriond mà tôi đã có đề cập ở trên.

Bên cạnh đó, “Gặp gỡ Việt Nam” đã và sẽ luôn luôn tổ chức các buổi nói chuyện khoa học của các Giáo sư đạt giải Nobel, các nhà khoa học danh tiếng cho giáo viên trẻ, cho sinh viên và học sinh, cho công chúng để khơi dậy niềm đam mê khoa học, khám phá của học sinh, sinh viên. Việc này không chỉ tổ chức tại Quy Nhơn, Bình Định mà cũng đã tổ chức tại các nơi khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế. Điều này tạo nên những hiệu ứng tích cực cho thế hệ tương lai trong tương lai không xa của Việt Nam.

Gặp gỡ Việt Nam cũng đã tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu (trực tiếp, hoặc trực tuyến) giữa các học sinh ưu tú của Việt Nam với các giáo sư Nobel, nhà khoa học danh tiếng để khuyến khích các em học sinh ưu tú đi theo khoa học. Vấn đề này sẽ giúp Việt Nam có một đội ngũ làm khoa học tốt trong tương lai…

Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức khoa học tại Việt Nam thông báo rộng rãi và tạo điều kiện về kinh phí cho các cán bộ trẻ tham gia vào các hội nghị tại ICISE Quy Nhơn với điều kiện đủ khả năng kiến thức về khoa học và về ngoại ngữ chuyên môn. Điều này giúp các nhà khoa học trẻ học hỏi, giao lưu được nhiều hơn, nâng cao hiểu biết và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu tương thích với chủ đề của hội nghị.

Kết nối hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế thông qua giao lưu, trao đổi trong các hội nghị (hay trong các lớp học chuyên đề); Tạo cơ hội để được gặp gỡ và trau dồi kiến thức. Khi được đánh giá cao thì tất nhiên có dịp được chọn lọc để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, postdoc ở các đại học hay viện nghiên cứu quốc tế. Điểm này đã và sẽ giúp Việt Nam có thêm đội ngũ làm khoa học tốt trong tương lai…

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nguyễn Hùng (thực hiện)