6 Giáo sư đạt giải Nobel sẽ đến Việt Nam trong đầu tháng 7

(Dân trí) - Tại buổi họp báo về Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 diễn ra ở Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 3/6, Ban tổ chức cho biết: Sẽ có 6 Giáo sư đạt giải Nobel góp mặt tại hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội”. Giáo sư Ngô Bảo Châu – người đạt Huy chương Fields cũng sẽ tham gia.

Ngoài ra, tại Hội nghị PASCOS (10-16/7/2016) có sự tham gia của Giáo sư Takaaki Kajita, người Nhật Bản – Giải Nobel Vật lý 2015.

Các Giáo sư đạt giải Nobel dự kiến tham dự Chương trình “Gặp gỡ Việt nam” gồm GS. David Gross – Là một nhà Vật lý người Mỹ nghiên cứu về lĩnh vực hạt cơ bản và lý thuyết dây. Phát hiện “tiệm cận tự do” đã mang đến cho ông, cùng với Frank Wilczek và David Politzer (nghiên cứu độc lập), giải thưởng Nobel Vật lý vào năm 2004.

GS. Carlo Rubbia – Là một nhà Vật lý người Ý. Công cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý năm 1984 với Simon Van der Meer cho những đóng góp của họ trong việc tìm ra hạt W và Z. Tên của ông đã được dùng để đặt tên cho một tiểu hành tinh: tiểu hành tinh 8398 Rubbia.

GS Jerome Friedman – Là một nhà Vật lý người Mỹ. Năm 1990, ông đồng giải Nobel về Vật lý với Henry W.Kendall và Richar E. TayLor cho việc chứng minh cấu trúc bên trong của hạt proton. Công trình của ông và các cộng sự là nền tảng cho việc phát triển mô hình quark trong vật lý hạt.

GS Kurt Wuthrich – Là nhà Hóa học, nhà Vật lý, nhà Toán học người Thụy sỹ. Ông đoạt Giải Nobel Hóa học năm 2002 cùng với Tanaka Koichi và John B. Fenn cho công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.

GS Finn Kydland – Là một nhà kinh tế học người Na Uy, được trao giải Nobel Kinh tế năm 2004 (cùng với Edward C.Prescott), “cho những đóng góp của họ về kinh tế vĩ mô động: thời gian nhất quán của các chính sách kinh tế và động lực thúc đẩy chu trình kinh doanh”

GS Jean Jouzel – Nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), đạt giải Nobel Hòa bình.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh Bình Định chia sẻ về những sự kiện diễn ra trong Gặp gỡ Việt Nam năm 2016
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh Bình Định chia sẻ về những sự kiện diễn ra trong "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2016

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là hội nghị lớn nhất trong chuỗi các sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” diễn ra vào ngày 7-8/7/2016.

Sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” dự kiến sẽ có khoảng 1.661 đại biểu đến tham gia 12 hội nghị và 3 lớp học vật lý chuyên đề quốc tế bắt đầu từ 26/6 đến 17/12. Ngoài sự tham gia của các nhà khoa học đoạt giải Nobel và các nhà khoa học danh tiếng, Hội nghị còn có sự tham gia của các nhà quản lý cũng như các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Tập đoàn Slovay (Bỉ), Tập đoàn Airbus…

Mục đích của Hội nghị là đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt là các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của đất nước. Tạo cơ hội để các nhà khoa học trong nước tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển xã hội.


GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của Khoa học cơ bản

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của Khoa học cơ bản

Tại buổi họp báo này, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, khoa học cơ bản với các thành tựu của mình chính là nền tảng cho các ứng dụng cuộc sống như điện tử, laser, mạng Internet, lĩnh vực y tế di truyền học…Tất cả đều phải bắt đầu từ nghiên cứu khoa học cơ bản.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bày tỏ: Với sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng thì đây cũng là cơ hội để cho xã hội hiểu rõ thêm về tầm quan trọng của khoa học cơ bản. Chỉ có nghiên cứu khoa học cơ bản thì mới có cơ sở để đưa các ứng dụng vào cuộc sống.


Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại buổi họp báo

Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại buổi họp báo

Ngoài các hội nghị, lớp học vật lý chuyên đề, sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” còn có 4 buổi nói chuyện khoa học đại chúng dành cho công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn và Hà Nội. Cụ thể, tại Quy nhơn GS Kurt Wuthrich sẽ có cuộc nói chuyện với chủ đề “Cuộc đời khoa học của tôi – Từ Vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chẩn đoán y học” vào ngày 6/7/2016.

GS Trịnh Xuân Thuận sẽ có cuộc nói chuyện về chủ đề “Con người và vũ trụ: Vũ trụ có một ý nghĩa gì không?” vào ngày 8/7/2016.

Tại Hà Nội, GS Kurt Wuthrich sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN vào ngày 5/7/2016

GS GS Finn Kydland sẽ có buổi nói chuyện giao lưu tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào ngày 12/7/2016

“Gặp gỡ Việt Nam” do vợ chồng GS nổi tiếng Trần Thanh Vân khởi xướng, sau đó được sự tham gia đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Năm nay sự kiện do Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bình Định cùng nhiều đơn vị khoa học quốc tế tổ chức.

Nguyễn Hùng