1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát minh kỹ thuật mới giải mã ý nghĩ của con người từ xa

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa cho biết giờ đây họ đã có thể giải mã ý nghĩ của con người mà không cần chạm vào đầu của người đó.

Phát minh kỹ thuật mới giải mã ý nghĩ của con người từ xa - 1

Trước đây, các kỹ thuật đọc ý nghĩ dựa vào các điện cực được cấy sâu vào não, nhưng phương pháp mới được phát minh sẽ dựa trên kỹ thuật quét não không xâm lấn, hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

fMRI theo dõi dòng chảy của máu đưa oxy đến não. Do các tế bào não đang hoạt động sẽ cần nhiều năng lượng và oxy hơn nên thông tin về đường đi của oxy sẽ gián tiếp cung cấp thước đo hoạt động của não.

Điều đáng chú ý là các nhà nghiên cứu còn có thể tận dụng các thông tin đó để giải mã ý nghĩa về mặt ngữ nghĩa trong suy nghĩ của người đó, mặc dù không thể dịch chính xác tất cả mọi từ.

"Nếu như cách đây 20 năm, một ai đó đặt câu hỏi có làm được việc đó không thì bất kỳ nhà hoa học thần kinh nhận thức nào cũng sẽ cười nhạo mời người đó ra khỏi phòng", nhà thần kinh học Alexander Huth ở Trường đại học Texas, Mỹ, nói.

Nghiên cứu mới này được nhóm các nhà khoa học thực hiện qua việc chụp quét não của 1 người nữ giới và 20 người nam giới có độ tuổi từ 20 đến 40. Trong thời gian thí nghiệm, họ đã có tổng cộng 16 giờ nghe các bản tin khác nhau, chia làm một số quãng thời gian. 

Kết quả chụp quét não được chuyển sang xử lý bằng một thuật toán gọi là "bộ giải mã" để so sánh các hình thái âm thanh phát đi với hình thái âm thanh ghi nhận trong hoạt động của não và tạo ra một câu chuyện dựa trên nội dung đã ghi được từ não. Kết quả cho thấy những câu chuyện này rất khớp với những đoạn âm thanh phát đi cho người tham gia nghe. Nói một cách khác, bộ giải mã có thể suy ra câu chuyện mà mỗi người tham gia thí nghiệm đã nghe dựa trên hoạt động não của họ.

Cũng có một số lỗi mà thuật toán mắc phải, ví dụ như chuyển đổi đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất và thứ ba. Nó biết khá chính xác những gì đang xảy ra, nhưng không biết ai đang làm việc đó, nhà thần kinh học Huth cho biết.

Trong các thí nghiệm bổ sung, thuật toán còn có thể giải thích khá chính xác cốt truyện của một bộ phim câm mà những người tham gia đã xem. Nó còn biết được những câu chuyện mà người tham gia tưởng tượng sẽ kể lại.

Dựa trên kết quả khả quan đó, nhóm nghiên cứu đã đặt ra mục tiêu lâu dài là phát triển công nghệ này để sử dụng trong các giao diện giữa não và máy tính thiết kế cho những người không nói được hoặc không đánh máy được.