1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Các nhà khoa học dự đoán Bắc Cực là nơi phát sinh đại dịch tiếp theo

Minh Khôi

(Dân trí) - "Mảnh đất màu mỡ" cho đại dịch virus mới tiếp theo không đâu khác chính là Bắc Cực vì một lý do bất ngờ.

Các nhà khoa học dự đoán Bắc Cực là nơi phát sinh đại dịch tiếp theo - 1

Bắc Cực có nguy cơ trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các đại dịch sắp tới khi chúng bùng phát (Ảnh: Getty).

Kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với Covid-19 vào tháng 1/2020, cho đến nay, Trái Đất đã trải qua gần 2 năm "điêu đứng", với nhiều tác động sâu rộng tới đời sống và kinh tế tại nhiều khu vực.

Trong khi chúng ta còn đang loay hoay trở lại với cuộc sống sau đại dịch, thì các nhà khoa học đã đưa ra dự đoán về những đại dịch tiếp theo, dự kiến sẽ còn khủng khiếp không kém.

Trong một nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học tuyên bố: "Đại dịch trong tương lai có nguy cơ tăng mạnh khi các khối băng ở Bắc Cực tan chảy, như một hệ quả của biến đổi khí hậu".

Để đưa ra nhận định này, các nhà nghiên cứu đã giải trình tự các phân đoạn DNA và RNA được tìm thấy trong đất và lớp trầm tích dưới đáy Hồ Hazen - hồ lớn nhất theo thể tích ở phía Bắc của Bắc Cực.

Sau đó, họ sử dụng một thuật toán máy tính để ngữ cảnh hóa các vi rút lây lan qua vật chủ là động vật, thực vật và nấm... có mặt trong khu vực.

Các nhà khoa học dự đoán Bắc Cực là nơi phát sinh đại dịch tiếp theo - 2

Kết quả vô cùng đáng kinh ngạc, khi vi rút không ngừng lây lan mạnh mẽ qua các vật chủ mới và tiếp tục tạo ra các biến thể, giống như cách mà SARS-CoV-2 đã làm thông qua cách chuyển từ quần thể động vật hoang dã sang người.

"Nếu biến đổi khí hậu làm băng tan chảy ở Bắc Cực, các dòng sông băng sẽ mang theo virus tiềm ẩn bùng phát thành đại dịch. Về cơ bản, Bắc Cực chính là mảnh đất màu mỡ cho các đại dịch mới", nhóm nghiên cứu cho biết.

Không chỉ vậy, các nhà khoa học cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng đại dịch do yếu tố con người. Theo đó, không ít các hoạt động của con người đã phá hủy môi trường sống tự nhiên, buộc động vật (và cả con người) ngày càng tiến sát hơn vào những khu vực nguy hiểm.

Đây được gọi là "tác động kép" của biến đổi khí hậu, khi nó vừa làm tăng nguy cơ lây nhiễm nếu xảy ra đại dịch, và đồng thời dẫn đến sự dịch chuyển về phía Bắc của các hệ sinh vật.

Theo www.sciencealert.com