1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát minh camera dưới nước không cần pin đầu tiên trên thế giới

Phạm Hường

(Dân trí) - Các kỹ sư ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vừa chế tạo ra một chiếc camera không dây, không pin để quay dưới nước.

Chiếc camera này có thể vận hành độc lập trong thời gian dài nhờ năng lượng lấy từ sóng âm thanh. Các nhà sáng chế cho biết nó tiết kiệm năng lượng hơn 100.000 lần so với các camera dưới nước khác.

Phát minh camera dưới nước không cần pin đầu tiên trên thế giới - 1

Hai tác giả và chiếc camera không dây, không pin (ảnh: Adam Glanzman).

Không chỉ dừng lại ở đặc điểm siêu việt là hiệu quả về năng lượng, chiếc camera không dây, không pin này còn có thể chụp ảnh màu và truyền dữ liệu không dây qua môi trường nước. Thậm chí nó còn có thể chụp ảnh trong đêm tối.

Tất cả những ưu điểm đó tạo nên một chiếc máy quay dưới nước hiện đại nhất cho đến nay. Vì nó không cần đến một nguồn điện nào nên chiếc camera này có thể hoạt động hàng tuần liền mới cần nghỉ. Nhờ đó nó sẽ đặc biệt hữu dụng cho công tác nghiên cứu về các sinh vật biển mới lạ.

Đây chính là sáng chế mà các kỹ sư MIT đã hiện thực hóa khi họ có ý tưởng tạo ra một thứ gì đó mới mẻ và sáng tạo. Sự sáng tạo trong thiết bị này là nó sử dụng sóng âm thanh không chỉ để tạo nên năng lượng để hoạt động mà còn để xử lý các bức ảnh sau khi chụp. Nó có khả năng chuyển đổi năng lượng cơ học từ sóng âm thanh trong nước thành điện năng.

Nguồn điện năng này được cung cấp cho thiết bị hình ảnh và thiết bị giao tiếp tích hợp trong chiếc camera. Đây là thiết kế độc nhất vô nhị và được kỳ vọng sẽ mở ra những cánh cửa mới cho các nhà khoa học khám phá các vùng biển sâu.

Công nghệ và những sáng tạo đột phá như thế này có thể giúp chúng ta mở ra một kỷ nguyên mới trong công cuộc khám phá đại dương, một việc làm mà chúng ta đang rất cần.

Càng hiểu về các đại dương, đặc biệt là những nơi chúng ta chưa thể dễ dàng khám phá, chúng ta càng biết được nhiều hơn về những biến đổi của khí hậu đang diễn ra và mức độ tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh của chúng ta.

Các nhà khoa học ước tính rằng hơn 95% đại dương trên Trái đất chưa bao giờ được quan sát. Một khó khăn cho đến nay là cấp nguồn cho máy ảnh dưới nước trong một thời gian dài, đòi hỏi phải có kết nối dây cứng với tàu nghiên cứu để sạc pin định kỳ.

Để giữ mức tiêu thụ điện năng thấp nhất có thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các cảm biến hình ảnh có công suất cực thấp, có sẵn. Khi máy ảnh chụp ảnh, nó sẽ chiếu đèn màu đỏ, xanh lục và xanh lam. Khi dữ liệu hình ảnh được kết hợp trong quá trình xử lý hậu kỳ, hình ảnh màu có thể được tái tạo.

Do không cần nguồn điện riêng, máy ảnh có thể hoạt động liên tục trong vài tuần và do đó sẽ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các khu vực chưa biết đến từ trước đến nay của đại dương, tìm kiếm các loài cá mới, ô nhiễm biển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...