Phát hiện xác ướp thiếu nữ Ai Cập cổ đại chết khi sinh song thai

Phạm Hường

(Dân trí) - Một xác ướp Ai Cập cổ đại với một thai nhi kẹp giữa hai chân và một thai nhi khác nằm trong khoang ngực một cách bất thường, cho thấy người mẹ đã chết trong khi sinh đôi.

Ảnh chụp tại hiện trường khai quật vào năm 1908 cho thấy bụng của xác ướp bị rạch và đầu của thai nhi nằm trong khoang chậu. (Ảnh: Margolis and Hunt, 2023).

Ảnh chụp tại hiện trường khai quật vào năm 1908 cho thấy bụng của xác ướp bị rạch và đầu của thai nhi nằm trong khoang chậu. (Ảnh: Margolis and Hunt, 2023).

Một nghiên cứu mới đây cho biết xác ướp không đầu của một thiếu nữ Ai Cập là một người mẹ trẻ, chết trong khi sinh không thành một cặp song sinh.

Khi các nhà khảo cổ học khai quật và mở xác ướp này vào năm 1908, họ phát hiện một cơ thể quấn trong vải của một thai nhi và phần sót lại của nhau thai nằm kẹp giữa hai chân của một bé gái.

Ghi chú tại hiện trường khi đó cho biết các nhà nghiên cứu kết luận bào thai của bé gái khoảng 14 đến 17 tuổi, sống ở Ai Cập vào khoảng từ Triều đại Muộn (năm 712 đến 332 trước Công nguyên) đến thời kỳ Coptic (năm 395 đến 642 Công nguyên). 

Các nhà nghiên cứu đã mổ bụng xác ướp và phát hiện hộp sọ của thai nhi bị kẹt trong đường sinh, cho thấy bé gái đã chết do biến chứng khi sinh con. Nhưng phải một thế kỷ sau đó, mới đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện bào thai thứ hai, nằm bất thường trong lồng ngực bé gái.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khảo cổ học người Mỹ Francine Margolis cho biết: "Đây là xác ướp đầu tiên được tìm thấy trong tình trạng này. Mặc dù ngành khảo cổ học đã phát hiện nhiều xác phụ nữ được tìm thấy trong tình trạng chết trong khi sinh con nhưng chưa từng có trường hợp nào như vậy ở Ai Cập."

Một bào thai được phát hiện nằm giữa hai chân của xác ướp Ai Cập cổ đại được khai quật vào năm 1908. (Ảnh: Margolis and Hunt).

Một bào thai được phát hiện nằm giữa hai chân của xác ướp Ai Cập cổ đại được khai quật vào năm 1908. (Ảnh: Margolis and Hunt).

Nhà khảo cổ học Margolis đã tiến hành nghiên cứu xác ướp này lần đầu tiên vào năm 2019. Bà kể lại rằng "Tôi đã chụp CT xác ướp để lấy kích thước xương chậu. Và khi đó chúng tôi phát hiện ra bào thai thứ hai."

Hình ảnh 3D cho thấy bào thai này nằm trong lồng ngực của người mẹ. Các nghiên cứu trước đó chưa hề nhắc đến điều này.

Margolis và nhóm nghiên cứu đã chụp X quang xác ướp để có được hình ảnh chi tiết hơn. Bà cho biết: "Khi nhìn thấy bào thai thứ hai, chúng tôi biết chúng tôi đã phát hiện ra một điều hoàn toàn mới trong lĩnh vực khảo cổ về Ai Cập cổ đại."

Các nhà nghiên cứu đã chụp X quang để có hình ảnh chi tiết phần thân của xác ướp và khẳng định một bào thai nằm trong lồng ngực xác ướp. (Ảnh: Margolis and Hunt).

Các nhà nghiên cứu đã chụp X quang để có hình ảnh chi tiết phần thân của xác ướp và khẳng định một bào thai nằm trong lồng ngực xác ướp. (Ảnh: Margolis and Hunt).

Trong nghiên cứu mới công bố vào tháng 12/2021, các nhà nghiên cứu đã khám nghiệm lại toàn bộ phần thân xác ướp và bào thai lộ bên ngoài để khẳng định nguyên nhân cái chết của bé gái. Họ cũng kiểm tra và tập hợp các ghi chú và hình ảnh thu được trong lần khai quật năm 1908.

Họ nhận thấy rằng bé gái chết trong quá trình sinh nở sau khi đầu của thai nhi thứ nhất bị mắc kẹt trong đường sinh. Thông thường, đầu của thai nhi nằm trong bụng mẹ sẽ cúi xuống ngực để dễ dàng đi qua khung chậu. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở trường hợp này, đầu của thai nhi không ở vị trí đó mà ngẩng lên khiến cho thai nhi ở tư thế khó đi qua đường sinh và kẹt lại.

Các kết quả phân tích từ năm 2019 cho thấy bé gái này cao khoảng 1m52, cân nặng khoảng 45 đến 55 kg. Cơ thể nhỏ và tuổi còn quá trẻ có thể là một trong những nguyên nhân khiến người mẹ này không vượt cạn thành công.

Một bức ảnh của xác ướp mà hiện giờ đã bị mất phần đầu. Ảnh chụp trong cuộc khai quật năm 1908. (Ảnh: Margolis and Hunt, 2023).

Một bức ảnh của xác ướp mà hiện giờ đã bị mất phần đầu. Ảnh chụp trong cuộc khai quật năm 1908. (Ảnh: Margolis and Hunt, 2023).

Xác ướp hiện giờ đã bị mất đầu. Bà Margolis nói rằng nếu tìm thấy đầu, răng và tóc thì có thể xét nghiệm để biết về chế độ ăn uống, những điều đã trải qua và nhiều thông tin khác về người này khi còn sống.

Hiện các nhà nghiên cứu cũng chưa biết vì sao thai nhi thứ hai lại nằm tận trên lồng ngực của người mẹ. Họ cho rằng có thể cơ hoành và các mô bị phân hủy trong quá trình ướp xác nên thai nhi đã di chuyển lên phần trên của cơ thể người mẹ.

Theo nghiên cứu này, việc sinh nở vào thời Ai Cập cổ đại rất ít được ghi chép lại, nhưng những gì biết được về xác ướp này cho thấy khả năng cặp sinh đôi không được mong đợi.

Một văn bản cổ bằng giấy papyrus còn lưu truyền từ thời trung đại (từ năm 1070 đến năm 713 trước Công nguyên) được gọi là Sắc lệnh bùa hộ mệnh, dạy cho các bà mẹ những câu niệm chú để không sinh đôi.

Theo LiveScience