Một tiểu hành tinh có nguy cơ đâm vào Trái đất trong năm 2024

T.Thủy

(Dân trí) - Một tiểu hành tinh có khối lượng 49 triệu tấn có khả năng sẽ va chạm với Trái đất vào tháng 10 năm nay. Vậy con người sống trên Trái đất có cần phải lo lắng về điều này?

2007 FT3 là tiểu hành tinh được các nhà thiên văn học phát hiện đầu tiên vào tháng 3/2007. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) ước tính tiểu hành tinh này có đường kính 340m và khối lượng 49 triệu tấn.

Tuy nhiên, 2007 FT3 đã biến mất khỏi tầm quan sát của các nhà thiên văn học chỉ ít ngày sau khi được phát hiện, do vậy các nhà khoa học đã gọi 2007 FT3 là "tiểu hành tinh bị thất lạc". Dù các nhà thiên văn học chỉ quan sát được tiểu hành tinh 2007 FT3 một vài lần, họ vẫn có thể quan sát đủ lâu để tính toán xem tiểu hành tinh này có phải là mối đe dọa với Trái đất hay không.

Dù quỹ đạo của tiểu hành tinh 2007 FT3 vẫn chưa được xác định rõ, các nhà khoa học của NASA đã đưa tiểu hành tinh này vào "Bảng rủi ro Sentry", là hệ thống giám sát những đối tượng và vật thể ngoài không gian có khả năng tác động đến Trái đất trong vòng 100 năm tới.

Tiểu hành tinh 2007 FT3 có khả năng va chạm với Trái đất vào tháng 10 tới, nhưng khả năng điều đó xảy ra là rất nhỏ (Ảnh minh họa: Getty).

Tiểu hành tinh 2007 FT3 có khả năng va chạm với Trái đất vào tháng 10 tới, nhưng khả năng điều đó xảy ra là rất nhỏ (Ảnh minh họa: Getty).

Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất của NASA ước tính tiểu hành tinh 2007 FT3 có 89 tác động tiềm tàng lên Trái đất. Một trong những tác động đó có thể xảy ra vào ngày 5/10/2024, khi tiểu hành tinh này có khả năng 0,0000087% (tương đương tỷ lệ 1/11,5 triệu) đâm vào Trái đất.

Nếu tiểu hành tinh 2007 FT3 không gây ra va chạm với Trái đất vào ngày 5/10/2024, nó sẽ có khả năng quay trở lại và đâm vào Trái đất vào ngày 3/3/2030, với khả năng xảy ra va chạm là 0,0000096% (tương đương tỷ lệ 1/10 triệu).

Nếu tiểu hành tinh này lao vào Trái Đất, tại thời điểm xâm nhập khí quyển, nó sẽ di chuyển với tốc độ 20,37km/s hoặc hơn 73 km/h. Lực tác động có thể sẽ tương đương vụ nổ gây ra bởi 2,7 tỷ tấn thuốc nổ TNT.

Các nhà khoa học cho biết sức công phá nếu tiểu hành tinh 2700 FT3 lao vào Trái đất sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng ở mức độ khu vực, nhưng không đe dọa đến toàn cầu.

Những dự báo của NASA có thể khiến nhiều người phải hoang mang, nhưng các nhà khoa học của NASA trấn an rằng khả năng tiểu hành tinh 2700 FT3 lao vào Trái đất là rất thấp và gần như không thể xảy ra.

Trước đó, NASA từng dự đoán có khả năng tiểu hành tinh 2700 FT3 lao vào Trái đất năm 2019, nhưng mọi chuyện đã trôi qua một cách êm đẹp.

Hiện NASA và các đối tác đang sử dụng các đài quan sát để theo dõi quỹ đạo của những vật thể trong Hệ mặt trời, đặt biệt chú ý đến các vật thể gần Trái đất có đường kính hơn 140m, là những vật thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng khi xảy ra va chạm với Trái đất.

Cho đến nay, các nhà thiên văn học đã có thể dự đoán gần như đầy đủ các vật thể như vậy và cho biết trong vòng 100 năm tới, sẽ không có tiểu hành tinh hoặc thiên thạch kích thước lớn nào va chạm với Trái đất.

"Không có mối đe dọa nào của các tiểu hành tinh đối với Trái đất trong thế kỷ tới. NASA và các đối tác đang rất tích cực quan sát bầu trời để tìm, theo dõi và phân loại các tiểu hành tinh, vật thể gần Trái đất để đưa ra cảnh báo sớm", người phát ngôn của NASA cho biết.

"Những tiểu hành tinh di chuyển trong phạm vi 30 triệu dặm (tương đương 48 triệu km) quanh quỹ đạo Trái đất được xem là tiếp cận gần. Tiểu hành tinh kích thước càng lớn thì các chuyên gia càng dễ phát hiện và có thể dễ dàng xác định quỹ đạo di chuyển của chúng", phát ngôn viên của NASA cho biết thêm.

Trong trường hợp xác định có các vật thể kích thước lớn lao về Trái đất, các nhà khoa học sẽ lên phương án làm chệch hướng di chuyển của các vật thể này để hạn chế rủi ro nếu chúng đâm vào Trái đất.

Nếu tiểu hành tinh 2007 FT3 được nhìn thấy lần nữa trong tương lai, các nhà thiên văn học có thể sẽ hiểu rõ hơn về quỹ đạo di chuyển của nó, từ đó có thể quyết định đưa tiểu hành tinh này ra khỏi danh sách các vật thể có khả năng va chạm với Trái đất hay không.

Theo UL/IFLS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm