Phát hiện vi khuẩn cổ đại bị "nhốt" trong 2 tỷ năm

Minh Khôi

(Dân trí) - Trong một nghiên cứu được công bố mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), đã phát hiện thấy một nhóm vi khuẩn cổ đại, tồn tại bên trong các khối đá ngầm, bên dưới mặt đất.

Phát hiện vi khuẩn cổ đại bị nhốt trong 2 tỷ năm - 1

Tế bào vi khuẩn cổ đại được làm nổi bật bằng thuốc nhuộm màu xanh lá cây trong mẫu đá (Ảnh: Đại học Tokyo).

Mẫu vật được lấy từ độ sâu 15 mét dưới lòng đất, từ một khối đá được gọi là phức hợp Bushveld Igneous ở miền đông bắc Nam Phi.

Được biết, khối đá này hình thành cách đây khoảng 2 tỷ năm, từ một dòng magma nóng chảy đã nguội lạnh bên dưới lớp bề mặt.

Theo các nhà nghiên cứu, điều khiến những vi sinh vật này trở nên vô cùng đặc biệt là chúng đã bị tách rời khỏi phần bề mặt trong suốt hàng tỷ năm.

Thời gian này lâu hơn nhiều so với bất kỳ cộng đồng vi khuẩn ngầm nào khác mà chúng ta từng tìm thấy.

"Phát hiện về vi khuẩn sống trong đá 2 tỷ năm tuổi này đã phá vỡ kỷ lục trước đó là 100 triệu năm", Yohey Suzuki, nhà địa vi sinh vật học của nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Để đảm bảo rằng vi khuẩn không thể lây lan ra môi trường sống, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật cho phép khử trùng bên ngoài mẫu vật, trước khi mang nó về cơ sở nghiên cứu, và phân tích những gì có chứa bên trong.

Theo các chuyên gia, nhóm vi khuẩn này có xu hướng tiến hóa chậm hơn, vì chúng nằm tách biệt khỏi nhiều áp lực thúc đẩy quá trình tiến hóa trong môi trường cơ bản.

Nói cách khác, chúng có thể mang lại những kiến thức chưa từng được hé lộ về quá trình tiến hóa của vi khuẩn trên Trái Đất.

Bên cạnh đó, sự tồn tại của nhóm vi khuẩn này cũng mở ra khả năng về những cộng đồng vi khuẩn khác nằm bên dưới lòng đất ở Mặt Trăng, Sao Hỏa.... và tồn tại ngay cả khi nước trên bề mặt đã cạn.

Theo www.sciencealert.com