Bụi sa mạc được biến đổi thành khoáng chất nuôi dưỡng sự sống

Minh Khôi

(Dân trí) - Bụi sa mạc đang được bầu khí quyển Trái Đất chuyển hóa thành khoáng chất, và từ đó nuôi dưỡng sự sống.

Bụi sa mạc được biến đổi thành khoáng chất nuôi dưỡng sự sống - 1

Sa mạc Sahara vô cùng rộng lớn (Ảnh: Getty).

Sa mạc (hay hoang mạc), được xem là vùng địa lý kém màu mỡ, khi có rất ít hoặc gần như không có thảm thực vật. Tất cả những gì khu vực này sở hữu là cát bao phủ hơn 20% diện tích bề mặt.

Tuy nhiên trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học ở Đại học California cho biết, bụi sa mạc có thể là yếu tố quan trọng, khi góp phần nuôi dưỡng sự sống đến từ nhiều nơi khác, đặc biệt là dưới đáy biển.

Cụ thể, bụi sa mạc theo gió, thổi lên trên bầu khí quyển và di chuyển xa khỏi các sa mạc. Lúc này, thành phần sắt bên trong cát sẽ được chuyển đổi thành dạng mà sinh quyển bên dưới có thể dễ dàng tiếp cận.

Nói cách khác, bụi sa mạc đang được bầu khí quyển Trái Đất chuyển hóa thành khoáng chất, và từ đó nuôi dưỡng sự sống.

"Sắt được vận chuyển dường như kích thích các quá trình sinh học, thứ đã tác động đến sự sống ở đại dương và trên lục địa", Timothy Lyons, nhà sinh địa hóa học tại Đại học California (Mỹ), chia sẻ.

Được biết, sắt có vai trò quan trọng trong các con đường sinh hóa, giúp bảo vệ cacbon trong khí quyển, và chuyển hóa các phân tử hữu cơ.

Mặc dù sắt rất cần thiết cho sự sống, nhưng nguồn cung của nó lại rất hạn chế. Ngoài ra, không phải tất cả các dạng sắt đều có thể được các sinh vật sống hấp thụ.

Bởi lẽ đó, sự phân tán của các hạt bụi sa mạc có thể quyết định phần lớn nơi có thể tìm thấy sự sống trên Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều này bằng cách phân tích lõi khoan từ đáy biển. Họ tìm thấy một khối lượng lớn của sắt mang hoạt tính sinh học, tức là có thể hòa tan và nuôi dưỡng sinh vật phù du ở khắp các đại dương.

Các sinh vật phù du này sau đó sẽ là nguồn thức ăn dồi dào cho động vật biển, và cũng tạo ra phần lớn oxy mà tất cả chúng ta đang hít thở.

Không chỉ vậy, chúng cũng có liên quan tới các hoạt động của vi khuẩn trên bề mặt một số rạn san hô lớn, hay sự thụ phấn của tảo biển.

Phát hiện mới này hé lộ một mối liên hệ đáng kinh ngạc giữa các thành phần địa lý với sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Theo www.sciencealert.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm