1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện mới về “lục địa biến mất” bị chôn vùi dưới khu vực Địa Trung Hải

(Dân trí) - Từ trước đến nay, chúng ta luôn biết đến Atlantis như một truyền thuyết về “lục địa biến mất”, nhưng phát hiện về một lục địa bị biến mất đã biến câu chuyện huyền thoại đó trở thành sự thực.

Chia sẻ về phát hiện chấn động này trên báo “Gondwana Research”, các nhà nghiên cứu đến từ 3 trường Đại học Utrecht, Oslo and Zürich đã đặt tên cho lục địa cổ đại bị nhấn chìm dưới biển Địa Trung Hải này là: Greater Adria.

Thông báo về sự tồn tại về một lục địa lãng quên được đưa ra sau nhiều năm nghiên cứu và sự tái thiết lập toàn diện lịch sử địa chất của khu vực Địa Trung Hải cũng như quá trình vẽ bản đồ với quy mô bao quát của địa hình núi, biển thay đổi trong hơn 240 triệu năm. Việc này vô cùng gian nan do khu vực này rất phức tạp về mặt địa chất, “một mớ hỗn độn” là cách mà nhà nghiên cứu điều tra chính Douwe Van Hinsbergen nhận xét về khu vực này.

“Đây là một khu vực địa chất hỗn độn: mọi thứ đều cong, đứt gãy và chất đống hỗn độn ” Ngài Van Hinsbergen, giáo sư về kiến tạo học và cổ địa lý học đến từ trường Đại học Utrecht phát biểu.

“Đặt trong tương quan với khu vực này, khu vực Himalaya còn có hệ thống địa chất đơn giản hơn nhiều. Từ đó, bạn có thể men theo đường đứt gãy dài hơn 1,200 dặm”.

Phát hiện mới về “lục địa biến mất” bị chôn vùi dưới khu vực Địa Trung Hải - 1

Hình ảnh được dựng lại về khu vực bị nhấn chìm Greater Adria, Châu Phi và Châu Âu khoảng 140 triệu năm trước (Van Hinsbergen et al., Gondwana Research (2019))

Để tìm hiểu về sự biến đổi của khu vực này, một đội nghiên cứu quốc tế đã thu thập và phân tích dữ liệu từ 2,300 khu vực cổ địa từ ở hơn 30 quốc gia khác nhau.

Bằng việc sử dụng phần mềm tái kiện tạo tiên tiến chứa thông tin về những đường đứt gãy và từ học, nhóm nghiên cứu đã có thể “lột” từng địa tầng của khu vực này ra từng lớp một cho đến địa tầng cổ xưa nhất từ kỷ Trias (hay còn gọi là kỷ Tam Điệp, kéo dài từ khoảng 200 đến 251 triệu năm trước).

Lục địa mới được phát hiện mang tên “Greater Adria” với kích thước bằng cả Greenland đã bắt đầu hành trình mới của mình với sự tồn tại độc lập, tách hẳn khỏi đại lục địa Gondwana.

“Phần lớn dãy núi mà chúng tôi nghiên cứu đều bắt nguồn từ một lục địa riêng lẻ tách biệt khỏi khu vực Bắc Phi cách đây 200 triệu năm trước”, ngài Van Hinsbergen chia sẻ thêm “Phần còn lại duy nhất của lục địa này là dải đất kéo dài từ thành phố Turin (Italia) dọc theo biển Adriatic đến phần “gót giày” trong hình dạng của đất nước Italia”.

Phần lớn lục địa Greater Adria bị bao phủ bởi nước, khu vực biển nhiệt đới, nông, chứa các trầm tích lắng xuống như các rặng san hô. Thực tế, một số trầm tích này vẫn có thể nhìn thấy dưới hình dáng của các dãy núi ở dãy Apennines, bán đảo Balkans và dãy An-pơ cũng như một khu vực ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì.

Do phần còn lại của lục địa này đâm sâu vào vỏ Trái Đất – một quá trình phá hủy diễn ra cách đây 100 triệu năm trước, những khối đá trầm tích này bị vỡ vụn ra, để lại cho những dãy núi này những khu vực như những tàn dư “bị biến dạng” của lục địa lãng quên này.

“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những cách nhìn sâu sắc, toàn diện về núi lửa và động đất. Thậm chí, từ đó bạn có thể dự đoán ở một mức độ nào đó diện mạo thay đổi của một vùng đất cụ thể trong tương lai xa”, ngài Van Hinsbergen cho biết.

Sự chấm dứt của lục địa“Greater Adria” này bắt đầu cách đây 100 triệu năm, khi nó tiếp xúc với khu vực nam Châu Âu. Sự va chạm với một mảng kiến tạo khác đã khiến cho bản thân lục địa này bị nhấn chìm vào vỏ Trái Đất và để lại những dải đất nổi lên trên bề nước hiện tại.

Bản đồ địa chất của khu vực Greater Adria này có thể cung cấp cho chúng ta những manh mối về nơi mà quặng được tìm thấy. “Những thứ thiết yếu cho xã hội chúng ta như quặng và vật liệu xây dựng được tìm thấy ở những dãy núi của khu vực đang được nghiên cứu”

“Hệ địa chất mà trong đó các tài nguyên được hình thành bị vỡ ra cùng với những dãy núi mà chúng tôi đang tái thiết lập. Vì thế, việc tái thiết lập trên hình ảnh của khu vực địa chất này rất có ích trong việc tìm kiếm tài nguyên mới”.

Dưới đây là minh họa cho quá trình hình thành và tàn lụi của lục địa bị lãng quên“Greater Adria”:

Phát hiện mới về “lục địa biến mất” bị chôn vùi dưới khu vực Địa Trung Hải - 2
(DOUWE VAN HINSBERGEN/YOUTUBE)

Tống Trần Hiến

Theo Newsweek