1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện hai "quái vật vũ trụ" ở gần Trái Đất với đặc điểm chưa từng thấy

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho rằng cả hai vật thể này đều nằm ngay ở "sân sau" của Trái Đất nếu tính trên quy mô vũ trụ.

Phát hiện hai quái vật vũ trụ ở gần Trái Đất với đặc điểm chưa từng thấy - 1

Vị trí 2 lỗ đen Gaia BH1 và Gaia BH2 trên bản đồ vũ trụ (Ảnh: ESA).

Theo Space, các nhà thiên văn học tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) vừa tìm thấy hai lỗ đen vũ trụ đại diện cho thứ mà họ chưa từng quan sát thấy trước đây.

Được đặt tên Gaia BH1 và Gaia BH2, đây là 2 lỗ đen vũ trụ xuất hiện ở khoảng gần Trái Đất nhất mà chúng ta từng được biết đến.

Nghiên cứu cho biết Gaia BH1 nằm cách Trái Đất chỉ 1.560 năm ánh sáng theo hướng của chòm sao Ophiuchus, trong khi Gaia BH2 nằm cách 3.800 năm ánh sáng trong chòm sao Centaurus.

Dưới góc độ chuyên môn, các nhà khoa học cho rằng cả hai lỗ đen này đều nằm ngay ở "sân sau" của Trái Đất nếu tính trên quy mô vũ trụ.

Không chỉ khoảng cách khiến chúng ta bất ngờ, Gaia BH1 và Gaia BH2 còn có khoảng cách với các "ngôi sao đồng hành" lớn hơn nhiều so với những gì từng quan sát trước đây.

Thông thường, các hệ thống sao đồng hành với lỗ đen được gọi với thuật ngữ "nhị phân tia X", do chúng thường phát sáng trong bức xạ tia X và có mức năng lượng bước sóng cao.

Điều này khiến lỗ đen dễ được tìm thấy, dù bản thân chúng không phát ra bất kỳ ánh sáng nào. Ngoài ra, chúng cũng ít khi phát ra những vụ nổ năng lượng mạnh mẽ.

Phát hiện hai quái vật vũ trụ ở gần Trái Đất với đặc điểm chưa từng thấy - 2

Các lỗ đen vũ trụ từ lâu đã là đề tài thu hút sự tò mò của các nhà khoa học về tính chất và lịch sử hình thành của chúng (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, Gaia BH1 và Gaia BH2 lại sở hữu những đặc điểm dị biệt, khi hoàn toàn "vô hình", và chỉ có thể được phát hiện thông qua hiệu ứng hấp dẫn mà tạo ra với các ngôi sao đồng hành.

Kareem El-Badry, nhà khoa học đến từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts, lý giải rằng Gaia BH1 và Gaia BH2 có thể sở hữu quá trình hình thành hoàn toàn khác so với các lỗ đen thông thường.

Dẫu vậy cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ về cách thức hoạt động của hai lỗ đen này.

"Chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ ánh sáng nào thoát ra từ lỗ đen, cũng như đường chân trời sự kiện của nó", El-Badry cho biết. "Nhiều khả năng hai lỗ đen này không phải là "kẻ ăn thịt" các ngôi sao, và chúng ta không cần quá lo ngại về chúng".

Trong một nghiên cứu vào năm 2021, các nhà khoa học kết luận rằng lỗ đen có thể có ảnh hưởng đến sự hình thành sự sống của con người trong thiên hà của chúng ta nói riêng.

Họ miêu tả đó là "thành phần thiết yếu" trong quá trình tiến hóa của vũ trụ, xảy ra từ sự kiện Vụ nổ lớn. Đây chính là giai đoạn đã hình thành nên vũ trụ ngày nay sau 13,8 tỷ năm.