1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất 2023 diễn ra vào ngày 27/3

Minh Khôi

(Dân trí) - Một "cuộc diễu hành" ở quy mô hành tinh sắp diễn ra, và đây được xem là một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2023.

Hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất 2023 diễn ra vào ngày 27/3 - 1

5 hành tinh sẽ xuất hiện thẳng hàng trên bầu trời đêm vào ngày 27/3 (Ảnh: Space).

Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Kim, Sao Thiên Vương, Sao Hỏa cùng với Mặt Trăng của Trái Đất chuẩn bị xếp thẳng hàng khi quan sát trên bầu trời vào các đêm từ 25 đến 30/3.

Theo Space, Sao Thủy và Sao Mộc sẽ là 2 hành tinh đầu tiên xuất hiện trên đường thẳng. Tuy nhiên, việc quan sát chúng sẽ rất khó khăn, bởi cả 2 đều sẽ nằm khuất dưới đường chân trời từ 25 - 30 phút sau khi Mặt Trời lặn.

Trái ngược với 2 trường hợp trên, Sao Kim - còn gọi là Sao Hôm, sẽ rất dễ quan sát trên bầu trời do chúng luôn tỏa sáng rực rỡ.

Tiếp theo đó là Sao Hỏa, dù chỉ xuất hiện bằng 1/13 độ sáng so với đầu tháng 12/2022, song đây vẫn được xếp hạng trong số 21 ngôi sao trên bầu trời về độ sáng. Tính đến ngày 27/3, Sao Hỏa sẽ cách Trái Đất 211,4 triệu km, xa hơn 2,5 lần so với khoảng thời gian trước mùa đông.

Thiên thể thứ 5 là Sao Thiên Vương mang đến một chút thử thách, khi hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường, ngay cả vào những đêm trời trong.

Điều thú vị là Mặt Trăng của Trái Đất, cũng như M35, cụm sao trong chòm sao Song Tử cũng sẽ tham gia buổi "diễu hành". Đây cũng là 2 vật thể quan trọng, vì chúng thường được dựa vào để xác định vị trí của những hành tinh còn lại trên bầu trời đêm.

Được biết, các hành tinh này quay quanh Mặt Trời với tốc độ và quỹ đạo khác nhau. Do đó, việc 5 hành tinh xuất hiện thẳng hàng là hiện tượng kỳ thú, rất hiếm khi xảy ra

Theo Business Insiders, các nhà quan sát nhiều khả năng sẽ phải sử dụng tới kính thiên văn để quan sát toàn bộ "đường thẳng" kỳ thú này.

Hồi tháng 6/2022, 5 hành tinh gồm Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ cũng tạo thành một đường thẳng phía trên đường chân trời. Cả 5 hành tinh xuất hiện vào buổi sáng sớm ở khu vực Bắc bán cầu và tương đối dễ quan sát.