Phát hiện căn cứ quân sự bị chôn vùi hàng thập kỷ

Phạm Hường

(Dân trí) - Một căn cứ quân sự bị lãng quên đang trở lại là điểm nóng đe dọa an toàn hạt nhân và ô nhiễm môi trường.

Phát hiện căn cứ quân sự bị chôn vùi hàng thập kỷ - 1
Doanh trại Thế kỷ, bị vùi sâu 30 mét dưới băng ở Greenland. (Ảnh: Đài thiên văn Trái Đất của NASA).

Bí mật trong chiến tranh là điều bình thường. Nhiều chốt và căn cứ bí mật còn có thể bị lãng quên sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong khi dùng máy bay phản lực của NASA để đo băng ở Bắc Cực bằng radar, các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy một căn cứ bí mật mà từ lâu đã được "giao" cho thiên nhiên chôn vùi sâu dưới lớp băng ở Greenland.

Nhà khoa học Alex Gardner ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA nói rằng "chúng tôi đang tìm kiếm thềm băng và bỗng xuất hiện Doanh trại Thế kỷ. Lúc đầu chúng tôi không biết nó là gì."

Phát hiện căn cứ quân sự bị chôn vùi hàng thập kỷ - 2
Doanh trại Thế kỷ vào năm 1966 (Ảnh: Lưu trữ quốc gia, Mỹ).

Doanh trại Thế kỷ do công binh quân đội Mỹ xây dựng ở tây bắc Greenland từ năm 1959 đến 1960 bằng cách đào một hệ thống gồm 21 đường hầm có tổng chiều dài 3km dưới lớp băng, và do đó căn cứ này có biệt danh "thành phố dưới băng".

Theo thiết kế, nơi đây có thể chứa tới 200 binh sĩ quanh năm và cất đến 600 tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung. Vì ở vùng xa xôi hẻo lánh nên nó được cung cấp năng lượng nhờ một lò phản ứng hạt nhân.

Đó là vào giai đoạn đầu tiên của Dự án Sâu băng, một dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng mạng lưới các địa điểm phóng vũ khí hạt nhân có thể chịu được đòn tấn công ban đầu. Tuy vậy, thềm băng ở đây không ổn định như đánh giá sơ bộ và việc xây dựng căn cứ quân sự này đã bị đình chỉ.

Thay vào đó, Mỹ đã bỏ lại Doanh trại Thế kỷ sau 8 năm, vào năm 1967, để lại hàng nghìn tấn chất thải, trong đó có cả chất phóng xạ. Kể từ đó, băng tuyết tích tụ đã chôn vùi nơi này dưới lớp băng dày 30 mét.

Nó chưa bao giờ thực sự biến mất. Các nhà khoa học rất lo lắng về điều gì sẽ xảy ra với tất cả chất thải đó nếu băng tiếp tục tan như hiện nay. Các chất thải có thể thấm sâu hơn xuống thềm băng và khi băng tan rã, chúng sẽ trôi vào đại dương.

Phát hiện căn cứ quân sự bị chôn vùi hàng thập kỷ - 3
Hình ảnh radar năm 2911 cho thấy chất thải bị chôn vùi: độ đậm của màu xanh biểu thị mức độ của tín hiệu phản hồi (Ảnh: Đài thiên văn Trái Đất của NASA)

Thỉnh thoảng, các cuộc khảo sát bằng radar cũng cho thấy bằng chứng về căn cứ này ẩn nấp như một quả bom hẹn giờ đe dọa môi trường.

Vào tháng 4/2024, các nhà khoa học đã sử dụng một radar mạnh hơn và thu được tín hiệu mô tả Doanh trại Thế kỷ chi tiết hơn nhiều. Họ cho biết theo dữ liệu mới, các cấu trúc riêng lẻ trong thành phố bí mật này hiện ra rõ chưa từng thấy trước đây.

Trở lại những năm 1960, người ta giả định rằng thềm băng sẽ giải quyết được vấn đề, không cần phải làm bất cứ điều gì về xử lý chất thải vì băng tuyết sẽ chôn vùi và đóng băng chất thải mãi mãi. Vì thế, không ai thực hiện một quy trình tỉ mỉ nào để ngừng hoàn toàn hoạt động của Doanh trại Thế kỷ. Căn cứ này đơn giản được để nguyên như vậy.

Phát hiện căn cứ quân sự bị chôn vùi hàng thập kỷ - 4
Ước tính tổn thất khối lượng thềm băng ở Greenland quanh Doanh trại Thế kỷ từ năm 1950 đến 2090. (Ảnh: Đài thiên văn Trái Đất của NASA).

Điều này được nhận thức muộn màng và đã bộc lộ một cách nhìn hết sức thiển cận. Các thềm băng ở Greenland đã mất đi 35% thể tích kể từ năm 1978 và tốc độ mất băng đang xảy ra nhanh chóng vô cùng. Băng tan và mực nước biển dâng có thể đẩy nhanh quá trình ô nhiễm do chất thải bị bỏ lại.

Tuy nhiên, hiện nay các hình ảnh về Doanh trại Thế kỷ sẽ không được sử dụng để giải quyết vấn đề một cách trực tiếp. Các nhà nghiên cứu đang tập trung vào việc đo độ dày của toàn bộ thềm băng để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của băng tan đối với hành tinh chúng ta.

Nhà khoa học Gardner nói "nếu không có kiến thức chi tiết về độ dày của băng thì không thể biết các tảng băng sẽ phản ứng thế nào với đại dương và khí quyển đang nóng lên nhanh chóng, và sẽ hạn chế đáng kể khả năng chúng ta dự đoán tốc độ mực nước biển dâng."

Theo www.sciencealert.com