Dấu chân bí ẩn từ 1,5 triệu năm tiết lộ điều bất ngờ

Minh Khôi

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, các dấu chân cổ đại cách đây 1,5 triệu năm cho thấy 2 chủng người cổ đại đã sống tại một nơi vào cùng một thời điểm.

Dấu chân bí ẩn từ 1,5 triệu năm tiết lộ điều bất ngờ - 1

Dấu chân bí ẩn từ 1,5 triệu năm tiết lộ điều bất ngờ về mối liên hệ giữa hai chủng người Homo erectus và Paranthropus boisei (Ảnh: SA).

Một khám phá mới được công bố trên tạp chí Science đã đánh dấu bước tiến lớn trong sự hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của con người.

Nó cho thấy người cổ đại Homo erectus và Paranthropus boisei - lần lượt là tổ tiên trực tiếp và họ hàng xa xôi của người hiện đại - thực sự đã chia sẻ môi trường sống ở lưu vực Turkana, Kenya.

Craig Feibel, nhà địa chất và nhân chủng học đến từ Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết: "Sự hiện diện của các dấu chân trên cùng một bề mặt, diễn ra gần nhau về mặt thời gian, cho thấy hai nhóm người sống gần nhau ở vùng rìa hồ, trong cùng một môi trường sống".

Trong khi đó, Kevin Hatala, nhà sinh vật học đến từ Đại học Chatham (Mỹ), khẳng định các dấu chân đã cung cấp "bức ảnh toàn cảnh" sống động về những họ hàng lâu đời của chúng ta.

"Với dữ liệu này, chúng ta có thể thấy cách mà những cá thể đã sống hàng triệu năm trước, di chuyển xung quanh và có khả năng tương tác với nhau, hoặc thậm chí với các loài động vật khác", Hatala cho biết.

Ngoài việc cung cấp các dữ kiện về cuộc sống thường ngày của người cổ đại thuộc kỷ Pleistocene, khám phá mới cũng giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về quá trình tiến hóa để đi bằng hai chân của loài người.

Theo đó, những dấu chân của người Homo erectus rất giống với dấu chân của người hiện đại. Cách di chuyển của họ cũng có phần tương đồng, khi sử dụng gót chân chạm đất trước, và sau đó đẩy cơ thể về phía trước bằng ngón chân.

Các nhà nhân chủng học cho rằng chính cách đi bộ này đã giúp người Homo erectus di chuyển trên những khoảng cách xa hơn bất kỳ loài nào trước đó, trở thành giống người đầu tiên di cư ra khỏi châu Phi và đến tận vùng Viễn Đông.

Theo www.sciencealert.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm