Phát hiện “bức vẽ cổ nhất từng biết” trên hòn đá tí hon ở Nam Phi
(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện bức vẽ cổ nhất từng biết của loài người trên một mảnh đá nhỏ ở Nam Phi.
Hình vẽ này có niên đại khoảng 73.000 năm tuổi, và thể hiện các đường khắc chéo song song khắc lên đá bằng màu đỏ son.
Các nhà khoa học đã tìm thấy mảnh vẽ nhỏ - mà vài người nói là trông hơi giống hình hashtag - ở Hang Blombos ở bờ biển phía nam.
Theo báo cáo, phát hiện này là “vật chỉ thị quan trọng nhất của tri thức hiện đại” trong giống loài chúng ta.
Dù các nhà khoa học đã tìm thấy những bản khắc lâu đời hơn trên khắp thế giới, nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm thứ tư cho biết những đường khắc trên viên đá đánh dấu bản vẽ trừu tượng đầu tiên.
Bài viết cho biết họa sĩ cổ đại đã sử dụng một “cục phấn vẽ màu son” để khác lên đá.
Các nhà khoa học tìm được mảnh đá vỡ ở Hang Blombos, cáchCape Town về phía đông 300km - Ảnh từ Reuters.
Nhân loại đã sử dụng màu son, một màu đất sét, trong ít nhất 285.000 năm.
Nhà khảo cổ học Christopher Henshilwood phát biểu với Reuters rằng trọn vẹn bức vẽ này “có khả năng phức tạp hơn”.
“Sự kết thúc đột ngột của tất cả các đường khắc trên các cạnh mảnh đá cho thấy rằng hình vẽ ban đầu kéo dài trên một bề mặt lớn hơn”.
Henshilwood làm việc tại Đại học Bergen của Na-uy và Đại học Witwatersrand của Nam Phi và dẫn đầu cuộc nghiên cứu bức vẽ.
Ông phát biểu với Reuters rằng trong khi đội nghiên cứu còn “do dự gọi đó là tranh”, nó gần như chắc chắn có ý nghĩa gì đó với người đã vẽ ra.
Có vô số các đồ tạo tác khác được tìm thấy ở Hang Blombos, cách Cape Town về phía đông 300km, bao gồm các hạt màu đỏ son, các mảnh đất son chạm trổ, và một bộ dụng cụ vẽ có niên đại khoảng 100.000 năm.
Loài người hiện đại, còn gọi là homo sapiens, là loài đầu tiên từng biết đến xuất hiện hơn 315.000 năm trước ở nơi hiện nay là châu Phi.
Lộc Xuân (Theo BBC News)