Ô nhiễm không khí có thể gây loãng xương | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ô nhiễm không khí có thể gây loãng xương

(Dân trí) - Sống trong các khu vực bị ô nhiễm làm tăng nguy cơ bị loãng xương, ảnh hưởng xấu đến người cao tuổi.

Ô nhiễm không khí có thể gây loãng xương - 1

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, New York, Mỹ đã nghiên cứu hồ sơ của hơn 9 triệu người và phát hiện ra rằng sự gia tăng hạt bụi nhỏ do các phương tiện giao thông có liên quan đến mật độ xương.

Các nhà khoa học cho biết ô nhiễm ảnh hưởng đến việc sản sinh các hormone và khoáng chất cho xương, dẫn đến chứng loãng xương.

Tiến sĩ Andrea Baccarelli, người tham gia nghiên cứu, cho biết: "Qua nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi đã xác định được nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm không khí, đó là các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, suy giảm chức năng, và giờ đây là chứng loãng xương. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy lợi ích của không khí trong lành, bao gồm cả cải thiện sức khỏe xương và ngăn ngừa gãy xương."

Trong một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm, Tiến sĩ Baccarelli cho biết vitamin B có thể làm giảm tác động của ô nhiễm không khí lên bệnh tim mạch, ảnh hưởng xấu đối với ADN.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định liệu vitamin B có thể tác động đến xương hay không.

Hội Xét Nghiệm Loãng xương Mỹ khuyên mọi người nên ăn các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh, bông cải xanh và đậu để cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể, đặc biệt là làm chắc xương.

Tập thể dục cũng rất cần thiết, tuy nhiên, tập thể dục mang lại tác động lớn nhất trước 30 tuổi.

Khánh Duy (Theo Telegraph)