Nửa tháng xem cảnh tò vò làm tổ cực kỳ thú vị
(Dân trí) - Có dịp may mắn được theo dõi cảnh một con tò vò làm tổ cần mẫn trong gần nửa tháng, phóng viên đã ghi nhận qua nhiều hình ảnh và video về loài côn trùng độc đáo này.
Theo Wikipedia, Tò vò là nhóm côn trùng thuộc bộ Hymenoptera và phân bộ Apocrita nhưng không phải là ong hay kiến. Loài tò vò rất quan trọng trong việc kiểm soát tự nhiên trong môi sinh. Chúng có khả năng săn, giết côn trùng như sâu bọ. Ngoài ra vì thuộc loài "ký sinh” (thuật ngữ là parasitoid) nên chúng hay đẻ trứng trực tiếp vào con mồi đã được làm tê liệt và đặt trong tổ, từ đó tò vò con lớn lên và dùng nguồn thức ăn.
Tò vò ký sinh được sử dụng ngày càng nhiều trong việc kiểm soát các loài sâu bọ gây thiệt hại cho nhà nông vì chúng săn giết các loài côn trùng có hại mà không ảnh hưởng đến hoa màu.
Về hình dạng tò vò thường bị lầm với ong. Theo quan niệm dân gian, tò vò xây tổ trong nhà là báo có điềm báo may mắn về tiền tài, vật chất, thịnh vượng cho gia chủ.
Trong văn hóa, tò vò được nhắc đến trong câu ca dao Việt Nam với những câu thơ:
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn, nó quyện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi! Nhện hỡi! Mày đi đằng nào
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích và cho rằng khi tò vò xây tổ xong nó sẽ đi kiếm nhện và đốt cho chúng sống dở chết dở. Sau đó tò vò mang nhện về tổ rồi lấp đất lại. Không phải tò vò nuôi nhện mà nó bắt, nhốt nhện vào tổ, đẻ trứng trong đó chờ khi ấu trùng tò vò ra đời thì có sẵn nguồn thức ăn dự trữ. Ấu trùng tò vò lớn lên thì nhện cũng bị ăn thịt, đây là tập tính của loài tò vò.
Do đó, bề ngoài câu ca dao này như muốn chê trách con nhện bội bạc nhưng mà thực sự thì nó mới chính là nạn nhân của tò vò.
Nhà sinh vật học nổi tiếng về lĩnh vực côn trùng Jean-Henri Fabre (người Pháp, 1823-1915) quan sát và phát hiện con tò vò bắt sâu về tổ rồi đẻ trứng vào tổ. Khi trứng nở ra con ấu trùng của tò vò, con ấu trùng đấy theo sợi tơ con mẹ dòng xuống dưới trèo lên mình sâu. Lúc ở trong tổ nó ăn thịt con sâu.
Điểm thú vị là con ấu trùng tò vò này ăn từng phần của con sâu, ngày đầu hút dịch, sau đó ăn mỡ rồi ăn nội quan. Thế mà sau hàng tuần, con sâu vẫn tươi rói, thơm ngon đến tận miếng cuối cùng. Ăn xong mấy con sâu, ấu trùng tò vò làm kén rồi nở thành con tò vò trưởng thành, gặm tổ chui ra.
Qua theo dõi cách làm tổ của tò vò trong suốt nửa tháng tại TP Huế, phóng viên đã chứng kiến tò vò cái cần mẫn hàng ngày xây dựng tổ của mình từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi trời tắt nắng. Liên tục đi tha từng hòn đất ướt được vo tròn, tò vò về đắp tổ. Khi mỗi ngăn tổ được thành hình, tò vò chừa lại một lỗ nhỏ. Sau đó, tò vò đi bắt côn trùng, thường là các con sâu mập mạp về nhét trong ngăn tổ rồi đưa đuôi vào đẻ trứng. Tiếp tục tò vò lại bay đi và về tổ với các viên đất để bít miệng ngăn tổ lại.
Có khoảng 5 tổ được tò vò tạo ra nằm sát nhau. Tò vò mẹ hoàn thiện công đoạn cuối cùng với việc tô trét chắc chắn lại tổ. Việc này nhằm tránh các côn trùng khác mà chủ yếu là kiến kéo đến để tấn công, đục tổ ăn côn trùng và cả tò vò con.
Cận cảnh tò vò mẹ với thân hình to lớn, màu sắc rất đẹp. Đuôi màu vàng, lưng nhỏ, mình màu đỏ đen... Phần lưng đến đầu màu vàng.
Cận cảnh tò vò làm tổ
Bài, ảnh, video: Đại Dương