1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhiều địa phương hoạt động khoa học công nghệ chưa đủ tính thuyết phục

(Dân trí) - Đó là một trong những bất cập được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2019 diễn ra tại Bộ KH&CN sáng nay (21/1).

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN trong thời gian qua như trong năm 2018 số lượng công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế tăng 25%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng  2 bậc (xếp vị trí 45/126 quốc gia), và gần đây là sự kiện phóng thành công vệ tinh MicroDragon… 

Nhiều địa phương hoạt động khoa học công nghệ chưa đủ tính thuyết phục - 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định đây là những kết quả thực chất của ngành khoa học trong năm qua nhưng chúng ta đừng quên Việt Nam vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp. Đừng quên là trong báo cáo của diễn đàn Kinh tế thế giới về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, nghiên cứu 100 nước đứng đầu thế giới đã chia thành 4 nhóm thì Việt Nam xếp ở nhóm 4 gọi là nhóm non trẻ. Trong khi đó, Singapore, Malaysia thuộc nhóm 25 nước dẫn đầu, Thái Lan, Philippines thuộc nhóm 3 thuộc nền kinh tế và di sản.

Đồng tình với một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới mà Bộ KH&CN đưa ra như đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp; các quy định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phục vụ kịp thời yêu cầu của thực tiễn; đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ ra những bất cập mà ngành cần phải quan tâm xử lý.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện có nhiều chính sách (chính sách nói chung) chưa thực sự coi KH&CN là quốc sách, là động lực, coi là chìa khóa quan trọng bậc nhất. Bên cạnh đó là những bất cập về cơ chế tài chính.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hiện nay có những vấn đề vô cùng bất cập đó là vẫn còn có những lý do lấy tiền làm khoa học để chi lương, chi thu nhập… đây là những cái không đúng cần phải cương quyết sửa.

Nhiều địa phương hoạt động khoa học công nghệ chưa đủ tính thuyết phục - 2
Quang cảnh hội nghị

Ngoài ra, cứ nói doanh nghiệp là trung tâm nhưng cơ chế hiện nay hầu như vẫn còn chưa đủ để thu hút các doanh nghiệp “xông vào” để đầu tư. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng về cơ bản chưa có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trọ các doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm của doanh nghiệp Việt nam tiếp cận với thị trường trong nước (thị trường của 95 triệu dân) cũng như thế giới.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, một trong những bất cập lớn nhất đó chính là ở rất nhiều địa phương hoạt động khoa học công nghệ chưa đủ tính thuyết phục, vai trò thể hiện không rõ.

“Mọi chuyện vẫn loay hoay ở chỗ có một ít tiền hàng năm thì một phần chi cho nghiên cứu, chủ yếu nghiên cứu về mặt xã hội. Một phần chi cho nghiên cứu về ứng dụng nông nghiệp. Một phần thì chi cho vào ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra thì không có gì nổi bật thêm”, Phó Thủ tướng nhìn nhận đánh giá thực trạng.

Từ những bất cập trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu năm 2019 ngành KH&CN cần tập trung tham mưu. Nếu cần thiết thì mở các cuộc họp mời các sở ban ngành, các huyện đến để trình bày, thuyết trình về các bộ chỉ số mà bộ mình được giao để làm sao cải thiện được môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Tránh tình trạng chúng ta cứ nói đến 4.0 mà không biết cụ thể là cái gì.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, hầu như ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp, trong xã hội trên địa bàn các tỉnh, thậm chí là ngay ở Bộ hay Sở chưa có một dữ liệu đánh giá một cách chi tiết. Điều này cần phải được khắc phục.

“Làm gì thì làm chúng ta phải nắm được tình hình ở trên địa bàn. Từ trước đến nay chúng ta mới chỉ nắm được kinh phí mình được giao chứ không nắm được trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp trên địa bàn như thế nào. Chúng ta chưa có một hệ thống thu thập dữ liệu. Vấn đề này Chính phủ đã chỉ đạo và Đề án tri thức Việt số hóa chính là giúp cho nền tảng này. Nếu ngành khoa học xây dựng được hệ thống dữ liệu thì sẽ trở thành đầu mối và lúc đó vai trò của mình sẽ được coi trong hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải thay đổi tư duy về sản phẩm chiến lược quốc gia.

“Chương trình sản phẩm chiến lược quốc gia từ trước đến nay chỉ tập trung vào các sản phẩm đầu tư vốn khoa học công nghệ. Cần phải thay đổi tư duy này bởi không nhất thiết phải có vốn đầu tư mới coi là sản phẩm chiến lược quốc gia. Đã là sản phẩm quốc gia thì chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ để khẳng định và giữ được uy tín của mình ở thị trường trong nước và quốc tế. Từng bước tiến tới việc không có phân biệt của Viện hay của nhà nước, Viện của các trường đại học hay Viện của các doanh nghiệp tư nhân…, nói cách khác là cùng bình đẳng, cùng tham gia vào các chương trình nghiên cứu khoa học”, Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ KH&CN, vai trò của Bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp những năm qua đã có cố gắng nhưng môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn rất còn rất khó nên cần phải tiếp tục. Giải pháp là tiếp tục kinh nghiệp của những năm trước đây và tăng cường đối thoại với các hiệp hội, các doanh nghiệp. 

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, lâu nay các bộ/ngành phối hợp rất tốt với Bộ KH&CN, tuy nhiên năm 2019 đề nghị Bộ KH&CN phải kéo Bộ GD-ĐT vào cuộc. Câu chuyện ở đây không phải chỉ mỗi kinh phí nghiên cứu trong trường đại học mà còn vai trò của nguồn nhân lực, vai trò của một xã hội học tập, và nhất là thời gian tới giáo dục áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới lúc đó việc ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào, đưa STEM vào giáo dục ra sao…đây là việc đáng phải quan tâm.

 

“Nếu có Bộ nào gắn kết nhất với Bộ KH&CN thì đó chính là Bộ GD-ĐT”, Phó Thủ tướng nói.

Nguyễn Hùng