Nhật Bản đối mặt nguy cơ sóng thần sau trận động đất mạnh 7.3 độ Richter
(Dân trí) - Các tỉnh Miyagi và Fukushima tại Nhật Bản đã phát đi thông báo cảnh báo sóng thần sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7.3 độ Richter đêm ngày 16/3.
Khoảng 11 giờ 30 phút tối (theo giờ địa phương), một trận động đất dữ dội đã làm rung chuyển các tòa nhà ở Tokyo, với tâm chấn nằm ở bờ biển phía đông Nhật Bản.
Giới chức nước này đã đưa ra cảnh báo sóng thần có thể ập vào các tỉnh Miyagi và Fukushima. Hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại của trận động đất này, song một số nguồn tin cho biết dư chấn của động đất khiến gần 2 triệu hộ dân tại một số tỉnh bị mất điện.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ đang làm việc để đánh giá mức độ thiệt hại do trận động đất gây ra, đồng thời cảnh báo người dân "hãy hành động để cứu tính mạng của bạn trước" bằng cách tránh xa bờ biển hoặc cửa sông.
Đáng lưu ý là tỉnh Fukushima từng là nơi chứng kiến ra một vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ bậc nhất trong lịch sử kể từ "thảm họa Chernobyl" cũng do ảnh hưởng từ một trận động đất mạnh 9,0 độ Richter.
Vụ việc xảy ra năm 2011, đã kéo theo những cơn sóng thần cao hơn 12 mét ồ ạt tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đánh sập lưới điện kết nối với nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, làm tắt hệ thống làm mát, gây ra sự cố ở 3 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy và xả chất phóng xạ ra đại dương.
Ước tính thiệt hại sau trận động đất kể trên đã khiến khoảng 20.000 người chết ở Nhật, phá hủy hơn 120.000 tòa nhà, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cho đến nay 42.565 người, bao gồm 35.725 người từ Fukushima đã phải di dời trên khắp vùng đông bắc Nhật Bản.
Không chỉ vậy, theo Masaharu Tsubokura - một bác sĩ ở Tokyo, sau vụ ô nhiễm, vấn đề sức khỏe của người dân trong vùng bị ảnh hưởng cũng trở nên nghiêm trọng, bao gồm việc tăng cao các ca bệnh ung thư, tiểu đường, tình trạng thể chất suy giảm...
Tới nay, các chuyên gia cho rằng việc dọn dẹp các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ còn mất ít nhất 30 năm nữa.
Thông tin chi tiết về những gì đang xảy ra bên trong các lò phản ứng phần lớn vẫn chưa được biết vì con người vẫn chưa thể tiếp cận bên trong và robot chỉ có thể cung cấp cái nhìn một phần của thiệt hại từ các nhiên liệu tan chảy.
Trong năm 2022, các công nhân đã lên kế hoạch thử nghiệm một cánh tay cơ khí, có tác dụng lấy các mảnh vụn nhiên liệu ở tầng dưới cùng của lò phản ứng ở tổ máy 2 mà không cần sự có mặt của con người.
Được biết, tổng khối lượng của việc xử lý khoảng 900 tấn nhiên liệu tan chảy, 1,24 triệu tấn nước làm mát bị ô nhiễm và tháo dỡ 4 lò phản ứng đã ngừng hoạt động của nhà máy sẽ "ngốn" của chính phủ Nhật Bản khoảng 76 tỷ USD hoặc thậm chí còn hơn thế.