1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cần thêm 30 năm để "dọn dẹp" hậu quả sau thảm họa hạt nhân Fukushima 2011

Trang Phạm

(Dân trí) - 10 năm kể từ ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima 2011 của Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng việc dọn dẹp các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ còn mất 30 năm nữa.

Cần thêm 30 năm để dọn dẹp hậu quả sau thảm họa hạt nhân Fukushima 2011 - 1

Chủ sở hữu của nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) dự đoán rằng công việc cần kéo dài hàng thập kỷ để loại bỏ nhiên liệu hạt nhân. Khoảng 900 tấn nhiên liệu tan chảy, xử lý nước làm mát bị ô nhiễm và tháo dỡ bốn lò phản ứng sẽ khiến chính phủ Nhật Bản dự kiến tiêu tốn 76 tỷ USD hoặc thậm chí hơn thế.

Thống đốc tỉnh Fukushima, Masao Uchibori, cho biết với các phóng viên trong một cuộc họp báo hồi tháng 2 vừa qua rằng, vẫn đang ở rất gần vạch xuất phát để dọn dẹp tàn dư sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima.

Thông tin chi tiết về những gì đang xảy ra bên trong các lò phản ứng phần lớn vẫn chưa được biết vì con người vẫn còn quá nguy hiểm khi vào bên trong và robot chỉ có thể cung cấp cái nhìn một phần về nhiên liệu tan chảy.

Vào năm 2022, các công nhân đã được lên kế hoạch thử nghiệm một cánh tay cơ khí sẽ lấy các mảnh vụn nhiên liệu ở dưới cùng của lò phản ứng ở tổ máy 2.

Ngoài ra, 1,24 triệu tấn nước bị ô nhiễm lưu thông qua các lò phản ứng, một số trong số đó bị rò rỉ ra đại dương trong cuộc khủng hoảng cũng sẽ rất khó xử lý và việc xử lý chỉ có thể loại bỏ một số nguyên tố phóng xạ nhất định, không bao gồm tritium.

Trước đó, một trận động đất mạnh 9 độ richter và cơn sóng thần cao hơn 12m gây ra vụ nổ ba lò phản ứng đã buộc hơn 160.000 cư dân phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 18.426 người đã thiệt mạng, trong đó có 2.527 người vẫn chưa được tìm thấy.

Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl và hơn 14 triệu tấn chất thải phóng xạ đã được chuyển từ địa điểm này đến các khu lưu trữ tạm thời bằng cách sử dụng túi chất thải nhựa.

Cho đến nay 42.565 người bao gồm 35.725 người từ Fukushima đã phải di dời trên khắp vùng đông bắc Nhật Bản.

Theo bác sĩ Masaharu Tsubokura, sau vụ ô nhiễm, các vấn đề sức khỏe của những người dân bị ảnh hưởng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm cả bệnh ung thư và tiểu đường cùng người già chết do suy giảm sự chăm sóc, tình trạng thể chất suy giảm.

TEPCO nói rằng sóng thần là không thể lường trước được. Vào năm 2019, ba cựu giám đốc điều hành của đơn vị này đã được tuyên không có tội sau khi bị cáo buộc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể ngăn chặn sự cố ở nhà máy.

Kể từ đó, khoảng 1/3 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã ngừng hoạt động vĩnh viễn và chỉ có 9 lò hoạt động trở lại. Vụ tai nạn cũng có những tác động toàn cầu, khiến các quốc gia khác như Đức phải loại bỏ dần điện hạt nhân.