1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima xử lý thế nào, có nguy hiểm không?

Minh Khôi

(Dân trí) - Theo giới chức Nhật Bản, nước ô nhiễm được lọc lại để loại bỏ các đồng vị có hại và sẽ được pha loãng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi thải ra biển.

Nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima xử lý thế nào, có nguy hiểm không? - 1

Hàng chục nghìn tấn nước nhiễm phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima được lưu trữ trong các bể chứa đặc biệt. Ảnh: Dailymail

Gần đây, giới chức Nhật Bản đã có quyết định gây tranh cãi khi cho biết sẽ xả 1 triệu tấn nước thải nhiễm xạ đã xử lý từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima ra biển.

Việc này sẽ bắt đầu trong 2 năm nữa và là một phần của kế hoạch nhằm dọn sạch và đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima. 

Trong khi chính phủ Nhật khẳng định nguồn nước trên là an toàn, thì các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc đã ngay lập tức bày tỏ mối quan ngại. Thậm chí, ngay cả cộng đồng đánh bắt cá ở Nhật Bản cũng "đứng ngồi không yên" trước động thái trên.

Nước thải nhiễm xạ có nguồn gốc từ đâu?

10 năm trước, sau trận động đất mạnh 9 độ Richter vào ngày 11/3/2011, ba trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thuộc tỉnh Fukushima, Nhật Bản, gặp sự cố với hệ thống làm mát.  

Sự việc khi ấy nghiêm trọng tới mức khiến một phần lõi hạt nhân gần như bị tan chảy, và các công nhân buộc phải liên tục bơm nước biển vào để làm mát. 

Mặc dù đã kiểm soát được sự cố, song cách xử lý này khiến toàn bộ nguồn nước biển, nước mưa, nước ngầm tại khu vực quanh nhà máy đều bị nhiễm phóng xạ, và buộc phải tích trữ tại nhà máy trong suốt 10 năm nay.

Nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima xử lý thế nào, có nguy hiểm không? - 2

Công nhân tham gia việc dọn dẹp nhà máy Fukushima Daiichi sau thảm họa năm 2011. Ảnh: China Daily

Theo các nguồn tin, số lượng nước phóng xạ đang tăng khoảng 140 tấn mỗi ngày, hiện đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bồn chứa và dự kiến vào khoảng mùa thu tới sẽ không còn chỗ chứa.

Do đó, Nhật buộc phải lên kế hoạch để thải nguồn nước đã xử lý ra biển. 

Nước thải có chứa chất gì, được xử lý thế nào?

Nhật Bản nhấn mạnh loại nước sắp được xả xuống biển đã qua xử lý an toàn, loại bỏ hầu hết chất phóng xạ và sẽ được pha rất loãng. Tuy nhiên, một số thành phần phóng xạ vẫn còn tồn dư trong loại nước này, trong đó có tritium. 

Tritium vốn là đồng vị phóng xạ của hydro, xuất hiện trong tự nhiên và có thể được tìm thấy trong nước mưa, nước biển. Tuy nhiên, hàm lượng này rất thấp.

Nigel Marks, Phó Giáo sư vật lý và thiên văn tại Đại học Curtin, Australia cho biết cần khoảng 60-100 năm để chuyển hóa hoàn toàn lượng tritium này thành helium vô hại. 

Trong khi đó, Luk Bing-lam, chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Hong Kong cũng cảnh báo rằng nhiều chất phóng xạ khác có thể vẫn tồn tại trong nước thải tại nhà máy Fukushima, như caesium-137 và strontium-90. 

Nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima xử lý thế nào, có nguy hiểm không? - 3

Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước thải đã qua xử lý đang ở trong các bể chứa tại Nhà máy Fukushima Daiichi.

Một tổ chức khác là Greenpeace thì tiết lộ 1,25 triệu tấn nước lưu trữ ở nhà máy vẫn có chứa đồng vị phóng xạ carbon-14 với khối lượng khoảng 63,6GBq (gigabecquerels). 

Theo đó, những hạt này cùng với các hạt nhân phóng xạ khác trong nước "sẽ gây ra tổn hại về di truyền kéo dài đến nghìn năm sau", tổ chức cho biết. Đồng vị carbon-14 cũng là hợp chất phóng xạ có khả năng làm hủy hoại ADN của con người nếu tiếp xúc trong điều kiện nhất định.

Dẫu vậy, theo người phát ngôn Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nguồn nước thải đã được xử lý dựa trên một quy trình phức tạp, khiến cho nồng độ các đồng vị phóng xạ có trong nước dao động ở mức an toàn.

Cụ thể là đối với các hạt đồng vị phóng xạ nguy hại như carbon-14, nồng độ chỉ còn từ 2 - 220 becquerels/lít, thấp hơn nhiều so với mức quy định được thải ra môi trường. Tuy nhiên, con số này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Nhật sẽ tiến hành công đoạn thải nước đã xử lý trong 2 năm nữa và là một phần của kế hoạch nhằm dọn sạch, đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima.