Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân, quốc gia láng giềng bày tỏ lo lắng

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Nhật Bản chính thức xả nước thải hạt nhân được lưu trữ sau thảm họa nhà máy điện Fukushima vào năm 2011. Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại với chương trình xả thải này.

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân, quốc gia láng giềng bày tỏ lo lắng - 1

Các bồn chứa nước thải hạt nhân được dùng để làm mát lõi của 3 lò phản ứng nhà máy điện Fukushima sau thảm họa động đất và sóng thần vào năm 2011 (Ảnh: Le Monde).

Ngày 22/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, quốc gia bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương vào ngày  hôm nay 24/8. 

Quyết định này ngay lập tức khiến nhiều hiệp hội môi trường và các nước láng giềng của Nhật Bản lo lắng.

Nhiều nỗi lo

Dự án xả nước thải hạt nhân đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Tháng 7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã phê duyệt kế hoạch xả thải và nó sẽ được thực hiện từ hôm nay ngày 24/8, nếu điều kiện thời tiết và biển cho phép. 

Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) bày tỏ quan ngại trong một thông cáo báo chí vào ngày 22/8, Chính phủ Nhật Bản đã chọn một giải pháp có thể dẫn đến sai lầm, việc xả nước thải hạt nhân có thể gây ô nhiễm phóng xạ trong môi trường biển nhiều thập kỷ, đặc biệt thời điểm các đại dương trên thế giới đang phải chịu nhiều áp lực do biến đổi khí hậu. 

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân, quốc gia láng giềng bày tỏ lo lắng - 2

Lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy sau thảm họa vào năm 2011 (Ảnh: Japanization).

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin cũng đã lên tiếng: "Đại dương là tài sản của nhân loại, không phải là nơi Nhật Bản có thể tự do xả nước thải bị ô nhiễm".

Ngay khi thông báo của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra, Hồng Kông cũng đã tung ra lệnh cấm ngay lập tức nhập khẩu thủy hải sản từ 10 công ty thủy hải sản của Nhật Bản. 

Cũng trong ngày 22/8, Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại quốc gia này để bày tỏ mối quan ngại trước chương trình xả nước thải hạt nhân với môi trường biển. 

Tổng cộng 1,3 triệu tấn nước thải bị nhiễm các hạt phóng xạ sẽ dần dần được thải ra đại dương.

Trong suốt 13 năm qua, lượng nước này được lưu trữ trong hàng ngàn thùng chứa, nó từng được sử dụng để làm mát ba lõi nóng chảy trong lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima sau thảm họa kép động đất và sóng thần khiến nhà máy thiệt hại nghiêm trọng. 

Theo phân tích của nhà cung cấp điện Tepco (Công ty Điện lực Tokyo) được xác nhận trong báo cáo của IAEA, việc xử lý và pha loãng nguồn nước bị ô nhiễm này không gây ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái cũng như con người. 

Dự kiến, công suất xả nước thải của Nhật Bản khoảng 500.000 lít/ngày. 

Kế hoạch xả thải có an toàn? 

Nước ô nhiễm chất phóng xạ của nhà máy điện Fukushima được xử lý bằng quy trình lọc gọi là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). Nó có thể loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, trừ triti.

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân, quốc gia láng giềng bày tỏ lo lắng - 3

Không chỉ nước tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ô nhiễm, thành phố này cũng đang phải xử lý hàng chục triệu túi đất nhiễm phóng xạ (Ảnh: Japanization).

Tritium là một hạt nhân phóng xạ tồn tại tự nhiên trong nước biển, chúng có tác động phóng xạ thấp. Các chuyên gia cho biết, nếu hít phải hoặc nuốt phải tritium liều lượng cao, nó sẽ thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Tepco đã đưa ra kế hoạch pha loãng nguồn nước này (tritit hóa) để giảm mức độ phóng xạ xuống dưới 1.500 becquerels mỗi lít (Bq/L), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của quốc gia là 60.000 Bq/L. 

Trong nhiều thập kỷ qua, tritium thường xuyên được thải vào nước bởi các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới, cũng như bởi các nhà máy tái xử lý chất thải hạt nhân.

Chính phủ Nhật Bản và Tepco trong nhiều tháng qua đã cố gắng thuyết phục người dân tin vào độ an toàn của chương trình xả thải này. Họ đã tổ chức các chuyến thăm nhà máy Fukushima, truyền thông kết quả thử nghiệm mẫu nước thải, thậm chí phát sóng trực tiếp trên YouTube một thí nghiệm trong đó cá bơi trong bể nước đã được xử lý và pha loãng. 

Tokyo hiện cũng đang phải đấu tranh chống lại thông tin sai lệch trực tuyến đã lan truyền trên các mạng xã hội tại Nhật Bản kể từ khi kế hoạch xả thải được công bố. 

Tại Họp báo thường kỳ Quý II/2023, đại diện của Bộ KH&CN vào ngày 19/7, ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, để xử lý lượng nước thải tồn động trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từ tháng 4/2021, kế hoạch xả thải của Nhật Bản đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cùng với các chuyên gia hàng đầu về an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận đến từ 11 quốc gia.

Kết luận kế hoạch của Nhật Bản về việc xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của IAEA.

"Theo kết quả đánh giá của IAEA, nồng độ của tác nhân phóng xạ có trong nước ở khoảng cách 30 km so với vị trí dự kiến xả thải có mật độ trong dải từ 10-6 đến 10-10Bq/l (becquerel/lít)", đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết. "Đây là tỷ lệ rất nhỏ so với nồng độ phóng xạ tự nhiên trong nước biển".

Được biết, ở điều kiện bình thường, nước biển cũng đã tồn tại nồng độ phóng xạ tự nhiên, nằm trong dải 0,1-1Bq/l, và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển.

Mức này cũng đã được quy định tại Thông tư số 19/2021/TT-BKHCN ký ngày 8/11/2012 của Bộ trưởng KHCN, bao gồm quy định về Kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm