Nhà Nobel Vật lý Duncan Haldane: "Thấy kim cương phải biết nhận ra"

Doãn Công

(Dân trí) - Giáo sư Duncan Haldane - nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 - vừa có buổi nói chuyện với công chúng yêu khoa học tại phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Nhà Nobel Vật lý Duncan Haldane: Thấy kim cương phải biết nhận ra - 1

Giáo sư Duncan Haldane - Nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 - nói chuyện với công chúng yêu khoa học tại phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Để trở thành nhà Nobel

Chiều 13/7, tại Trường ĐH Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Giáo sư Duncan Haldane - nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 - đến từ Trường ĐH Princeton - Mỹ, có buổi nói chuyện, giao lưu với học sinh, sinh viên, công chúng yêu khoa học tại Bình Định.

Nhà Nobel Vật lý Duncan Haldane: Thấy kim cương phải biết nhận ra - 2

Em Lê Doãn Thịnh, học sinh lớp chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn, Bình Định) đặt câu hỏi.

Tại buổi nói chuyện, Giáo sư Duncan Haldane chủ yếu xoay các chủ đề về vật lý lượng tử Tupo, vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần thứ 2; những ứng dụng thực tiễn của khoa học lượng tử đối với đời sống con người.

Đặc biệt, Giáo sư Duncan Haldane chia sẻ con đường đến giải thưởng Nhà Nobel Vật lý năm 2016, qua đó khích lệ học sinh, sinh viên, công chúng đến với nghiên cứu khoa học.

Nhà Nobel Vật lý Duncan Haldane: Thấy kim cương phải biết nhận ra - 3

Một em nhỏ đặt câu hỏi cho giáo sư Duncan Haldane.

Giáo sư Duncan Haldane chia sẻ: "Rất nhiều người hỏi tôi rằng làm thế nào để nhận giải thưởng Nobel Vật lý. Tôi nghĩ rằng đầu tiên các bạn phải là người gặp may mắn nhưng cũng không ai ngồi chờ đợi thành công đến với mình.

Khi bạn đi trên một con đường, chân các bạn đạp vào những hạt cát. Nhưng đôi khi gặp viên kim cương, bạn phải nhận ra đó là viên kim cương, nếu không sẽ có người tiếp theo nhận ra.

Thứ hai, các bạn cần phải có sự chuẩn bị, sự đầu tư, theo đuổi ý tưởng của mình đến cùng. Khi tìm ra ý tưởng mới, đôi khi có nhiều người chống lại ý tưởng đó thì phải đấu tranh để bảo vệ ý tưởng của mình. Một việc rất khó đối với người làm khoa học là giải thích khoa học cho công chúng".

Đến với buổi nói chuyện, bạn Phạm Lan Anh (sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) hào hứng chia sẻ: "Em rất vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia một hội nghị mà có giáo sư nổi tiếng đoạt giải Nobel. Khi còn học ở phổ thông, em đã nghe qua về các hạt electron, chứ chưa nghe về lượng tử Tupo hay vướng víu lượng tử nên em rất hứng thú.

Qua buổi này, chắc chắn tối nay em sẽ lên mạng tìm kiếm những bài báo viết về vấn đề này. Cá nhân em đây là buổi nói chuyện bổ ích, đặc biệt cho các bạn yêu thích nghiên cứu khoa học".

Em Nguyễn Trung Học, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) chia sẻ: "Tham gia buổi nói chuyện này em rất tò mò về khoa học lượng tử. Buổi nói chuyện này giúp ích cho em trong quá trình học môn vật lý".

Đưa khoa học lượng tử vào đại học

Tại buổi nói chuyện, đông đảo công chúng yêu khoa học, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có nhiều câu hỏi dành cho Giáo sư Duncan Haldane.

Nhà Nobel Vật lý Duncan Haldane: Thấy kim cương phải biết nhận ra - 4

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (ở TP Quy Nhơn) đặt câu hỏi có nên đưa vật lý lượng tử vào giảng dạy trường đại học.

Trả lời về câu hỏi cuộc cách mạng khoa học lượng tử lần thứ 2 mang lại lợi ích gì cho nhân loại? Giáo sư Duncan Haldane cho rằng một trong những ý tưởng hiện nay là cần có máy tính lượng tử để thiết kế ra những hệ lượng tử mới. Giả sử chúng ta có máy tính lượng tử thì có thể làm ra những vật liệu mới, phân tử mới, làm ra vaccine nhanh hơn nhiều so với máy tính cổ điển hiện nay.

Theo Giáo sư Duncan Haldane, cuộc cách mạng lượng tử đã xảy ra khoảng 90 năm trước, sau khi cơ học lượng tử được tìm ra thì có rất nhiều vấn đề rất khó hiểu, khó giải nghĩa. Khoa học như vấn đề triết học rất trừu tượng, liệu con người có tự quyết định những thứ chúng ta làm hay không, hay có cái gì đó quyết định chúng ta sẽ làm cái gì. Nghĩ về những vấn đề này lâu sẽ đau đầu.

Tuy nhiên gần đây, vấn đề cơ học lượng tử được nhìn theo cách nhìn mới. Chúng ta chưa tìm ra quy luật nào mới cho cơ học lượng tử nhưng đây là cách nhìn mới, dẫn đến khả năng có những kỹ thuật mới như có thể làm ra máy tính lượng tử để giải quyết được nhiều bài toán cùng một lúc, không giống như máy tính cổ điển phải làm bài toán 1,2,3,4…

"Hiện nay, các thí nghiệm cho thấy vật lý cơ học lượng tử là đúng 100% nhưng ai biết được trong tương lai sẽ có thí nghiệm mới. Thí nghiệm luôn là nguồn gốc của chân lý nên cơ học lượng tử rất quan trọng trong đời sống của chúng ta", Giáo sư Duncan Haldane nói.

Giáo sư Duncan Haldane cho rằng các nghiên cứu vật lý cơ bản là những ý tưởng, khi ý tưởng này thành những dụng cụ thực tế thì đó là ý tưởng là thật.

Nhà Nobel Vật lý Duncan Haldane: Thấy kim cương phải biết nhận ra - 5

Giáo sư Duncan Haldane chụp hình lưu niệm với công chúng yêu khoa học tại Bình Định.

Về câu hỏi, vật lý lượng tử có thể đưa vào chương trình đại học được hay không vì tính ứng dụng cao, Giáo sư Duncan Haldane, chia sẻ: "Các nhà hóa học cũng phải học cơ học lượng tử nhưng phần lớn là một môn vật lý. Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu thị trường nên rất nhiều kỹ sư cũng muốn học cơ học lượng tử. Họ còn học thông tin lượng tử trong các khóa, vậy nên chúng ta cần đưa khoa học lượng tử vào chương trình đại học và dạy nó bằng một cách mới, phương pháp mới.