Nguồn gốc "băng lửa" giải phóng khi đại dương ấm lên là gì?
(Dân trí) - Tên gọi "băng lửa" nghe có vẻ giống một nghịch lý, nhưng trên thực tế, đây lại là một loại khí đốt tự nhiên có thật.
"Băng lửa" - hay metan hydrat - là một loại khí tự nhiên bị giam trong trạng thái đông lạnh ở thể rắn bên sâu dưới đáy đại dương.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 6/12 trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng cho thấy trong thời kỳ nóng lên trước đây, các đại dương đã giải phóng loại khí nhà kính mạnh mẽ có nguồn gốc từ metan, nhiều khả năng là metan hydrat.
Điều này cho thấy việc tăng nhiệt độ đại dương do biến đổi khí hậu của thời kỳ hiện đại có thể tiếp tục làm tan chảy nhiều "băng lửa" hơn, đồng thời giải phóng nhiều khí metan gây ô nhiễm.
Truy tìm nguồn gốc "băng lửa"
Trong nghiên cứu mới, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng kỹ thuật hình ảnh địa chấn 3D tiên tiến để nghiên cứu một phần "băng lửa" nằm ngoài khơi bờ biển Mauritania, tây bắc châu Phi.
Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE), khí metan hydrat từng được cho là rất hiếm, nhưng hiện nay đã tồn tại với khối lượng rất lớn, bao gồm 250.000 đến 700.000 nghìn tỷ feet khối.
Phân tích tìm thấy một trường hợp cụ thể, trong đó khí metan thoát ra, và đã di chuyển hơn 40km từ phần sâu của sườn lục địa đến rìa thềm lục địa bên dưới đại dương. Điều này có thể xảy ra khi phần băng lửa tách ra trong thời kỳ nóng lên trong 2,6 triệu năm qua, khi khí đông lạnh bắt đầu tan băng.
Nhiều khả năng, chúng đã được giải phóng thông qua một vùng trũng dưới nước, được gọi là "vết rỗ" trong thời kỳ ấm lên trước đây của Trái Đất.
Giới chuyên môn cho rằng đây là một khám phá quan trọng, vì từ trước tới nay, chúng ta hầu như chỉ nghiên cứu tập trung vào những phần nông nhất của vùng metan hydrat ổn định.
Tuy nhiên, dữ liệu mới cho thấy rõ ràng rằng khối lượng khí metan lớn hơn những dự đoán rất nhiều, và chúng ta thực sự phải tìm hiểu sâu về vấn đề này để nắm bắt rõ hơn về vai trò của metan hydrat trong hệ thống khí hậu.
Khí metan ảnh hưởng thế nào tới khí hậu?
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), khí metan chiếm khoảng 16% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là loại khí nhà kính phổ biến thứ 2 do con người tạo ra, sau carbon dioxide.
Nó có hiệu quả gấp 25 lần so với carbon dioxide trong việc bẫy nhiệt trong khí quyển. Tuy nhiên, khí này có chu kỳ bán rã ngắn hơn nhiều so với carbon dioxide, và thường tồn tại trong không khí ít hơn 1 thập kỷ.
Nông nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm khí metan chính. Bên cạnh đó, metan cũng có thể đến từ bất cứ nơi nào, bao gồm thực phẩm hoặc thực vật bị phân hủy, đầm lầy, bãi rác và nhiên liệu hóa thạch.
Vào năm 2021, lượng khí thải metan đã được Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu bổ sung vào danh mục ưu tiên về biến đổi khí hậu cần giải quyết trong thập kỷ tới.
Khí metan từ băng lửa cũng được cho là có vai trò nhất định từ biến đổi khí hậu trong quá khứ, liên quan chặt chẽ đến hiện tượng nóng lên của đại dương ở bán cầu nam.