Người phụ nữ chạm trán bất ngờ với rắn hổ chúa khi đang nấu bếp

T.Thủy

(Dân trí) - Người phụ nữ đang ngồi nấu ăn không thể ngờ rằng mình đã có tình huống chạm trán bất ngờ với rắn hổ chúa và suýt bị con rắn độc cắn trúng.

Đoạn clip về khoảnh khắc thót tim được camera giám sát ghi lại tại tỉnh Surat Thani (Thái Lan), cho thấy người phụ nữ họ Tin, 50 tuổi, đang ngồi nấu bữa tối cho gia đình, mà không biết một con rắn hổ chúa cỡ lớn đang trườn tới từ phía sau.

Người phụ nữ không hề hay biết về sự xuất hiện của con rắn, cho đến khi bà cảm thấy chuyển động dưới chân mình và nhìn xuống. Khi phát hiện con rắn cỡ lớn, bà đã hốt hoảng hét lên và lập tức bỏ chạy.

Hành động bất ngờ của bà Tin khiến con rắn bị kích động. Con vật lập tức ngóc cao đầu và tung ra cú mổ về phía người phụ nữ này. May mắn bà Tin đã bỏ chạy kịp thời trước khi bị con rắn mổ trúng.

Con rắn sau đó đã trườn đi, thay vì đuổi theo để tìm cách tấn công bà Tin. Về phần mình, bà Tin cũng phải mất một thời gian mới có thể bình tĩnh lại sau khi phải đối mặt với hổ chúa, loài rắn độc lớn nhất thế giới.

"Tim tôi gần như nhảy ra khỏi cơ thể. Đó là con rắn lớn nhất mà tôi từng thấy và nó đã mổ về phía tôi. Ánh mắt tôi đã chạm vào mắt nó và tôi đã lập tức đứng dậy để bỏ chạy", bà Tin chia sẻ về khoảnh khắc chạm trán con rắn độc.

Người phụ nữ chạm trán bất ngờ với rắn hổ chúa khi đang nấu bếp (Video: VPress).

Nhiều người cho rằng có vẻ như con rắn hổ chúa bị thu hút bởi nguồn nhiệt từ bếp ga mà bà Tin đang sử dụng nên đã trườn đến, thay vì chủ định lao đến để tấn công người phụ nữ này.

Nhiều loài rắn có các bộ phận cảm biến nhiệt trên đầu và mỏm để cảm nhận nhiệt độ và săn mồi, do vậy các loài rắn thường di chuyển theo những nguồn nhiệt lớn để săn mồi hoặc để tìm nguồn nhiệt sưởi ấm cơ thể.

Không phải là loài rắn sở hữu nọc độc nhất thế giới, hổ chúa lại là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nọc độc của rắn hổ chúa ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng thở và suy tim, dẫn đến tử vong trong khoảng 30 phút sau khi cắn nếu không được cứu chữa kịp thời.

Nọc độc trong một cú cắn của rắn hổ chúa có thể đủ giết chết 20 người trưởng thành. Trong nhiều trường hợp, rắn hổ chúa có thể tung ra cú cắn khô, là nhát cắn không bơm nọc độc và nạn nhân có thể sống sót sau cú cắn mà không cần phải điều trị, tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra.

Tại Thái Lan có hơn 220 loài rắn, trong đó có khoảng hơn 30 loài rắn sở hữu nọc độc chết người.

Một nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn (trụ sở tại Bangkok) cho biết mỗi năm có khoảng 7.000 người bị rắn cắn tại Thái Lan, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Các loài hổ mang là thủ phạm gây ra số vụ rắn độc cắn nhiều nhất tại quốc gia này.

Theo VPress/ITN