1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Amip ăn não là nỗi kinh hoàng có thật

Phạm Hường

(Dân trí) - Một khi đã nhiễm loại vi trùng này, tỷ lệ tử vong của người bệnh lên đến hơn 90%.

Vào những ngày hè nóng nực, ra biển chơi hoặc đi khám phá ở suối, sông, hồ là cách tuyệt vời để giải nhiệt.

Những hồ bơi nước ngọt rất tuyệt nhưng cũng đi kèm với một mối nguy hiểm tiềm ẩn. Mặc dù rất hiếm nhưng nhiễm trùng não do vi khuẩn "amip ăn não người" có thể gây tử vong.

Vi khuẩn Amip ăn não người là gì?

Tác nhân gây bệnh này có tên khoa học là Naegleria fowleri. Đặc điểm "ăn não" nghe như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng đáng buồn là nó có thật, và có thể gây tử vong.

Các nhà khoa học ở Nam Úc phát hiện ra loại amip này lần đầu tiên vào những năm 1960 sau một số ca tử vong bí ẩn do viêm màng não bất thường.

Bệnh này gây ra một loại nhiễm trùng thường không thể chữa khỏi, được gọi là viêm màng não do amip nguyên phát.

Căn bệnh đã gây ra hàng trăm ca nhiễm trùng rồi tử vong ở nhiều quốc gia. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là nam thanh niên, với độ tuổi trung bình là 12.

N.fowleri là một sinh vật đơn bào cực nhỏ, thường được tìm thấy trong nước ngọt và đất, sinh sôi mạnh ở nhiệt độ từ 25 đến 40 độ C. Nó không tồn tại trong nước mặn hoặc nước ngọt được khử trùng đúng cách bằng clo.

Nhiễm trùng amip này rất hiếm xảy ra, nhưng nếu đã bị thì chỉ có một số ít bệnh nhân sống sót được.

Nước Mỹ ghi nhận nhiều ca bệnh nhất, có thể là do nước này có hệ thống báo cáo và lưu giữ hồ sơ chặt chẽ về các loại bệnh này. Trong số 164 trường hợp được báo cáo từ năm 1962 đến năm 2023, chỉ có 4 người sống sót. Như vậy tỷ lệ tử vong là 97,5%.

Amip ăn não là nỗi kinh hoàng có thật - 1
Amip N.fowleri trong dịch não tủy của một bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ James Roberts, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Trẻ em Atlanta/CDC).

Amip xâm nhập vào não bằng cách nào?

Bệnh này có con đường lây nhiễm rất bất thường. Bạn sẽ không bị nhiễm bệnh do uống nước bị ô nhiễm.

Vi khuẩn này chỉ xâm nhập vào não người theo nước đi vào mũi và các khoang mũi. Từ đó, nó đi qua mô mũi và lây lên não và hệ thần kinh trung ương.

Đã có trường hợp nhiễm trùng tử vong do rửa mũi bằng nước có chứa amip. Việc rửa mũi như vậy chỉ nên làm nếu đã chắc chắn là nước được khử trùng đúng cách.

Một số triệu chứng ban đầu của bệnh là đau đầu, buồn nôn, nôn, sốt và cứng cổ. Từ khi nhiễm trùng đến khi có biểu hiện có thể mất vài ngày. Nếu một người có những triệu chứng này sau khi tiếp xúc với nguồn nước nghi bị ô nhiễm thì cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Mặc dù amip thường sống sót trong nước ở nơi có khí hậu ấm áp, nhưng đã có trường hợp lây nhiễm cả trong môi trường nóng và lạnh hơn.

Năm 1978, một cô gái đã tử vong sau khi bơi trong bồn tắm địa nhiệt do người La Mã xây dựng ở thành phố Bath, Anh. Kể từ đó, những bồn tắm này đã bị đóng cửa.

Nên làm gì để tránh bị nhiễm trùng amip ăn não?

Đầu tiên, N.fowleri không thể sống sót trong nước biển, nhưng nó có thể sống sót trong nước ngọt ở sông, suối, hồ, hồ bơi hoặc một số suối nước nóng.

Để an toàn nhất, bạn cứ cho là amip có ở những nguồn nước này. Còn nếu vẫn muốn bơi, bạn không nên để ngập đầu xuống nước, chú ý không để nước tràn vào mũi.

Việc này có vẻ không dễ đối với trẻ em vì trẻ thường thích thú chơi các trò té nước, nhảy hoặc lặn xuống nước. Những hoạt động này khó tránh khỏi làm nước tràn vào mũi.

Nếu bạn đi bơi ở bể bơi, hãy tìm hiểu xem bể bơi đó có được vệ sinh thường xuyên đúng cách và khử trùng bằng clo hay không.

Nhìn chung, khả năng mắc phải căn bệnh này là rất thấp, nhưng nếu đã bị thì nguy cơ tử vong là rất cao.

Theo www.sciencealert.com