Người đầu tiên trong lịch sử sống 1.000 ngày ngoài không gian
(Dân trí) - Phi hành gia người Nga Oleg Kononenko, 59 tuổi, đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử trải qua 1.000 ngày sống ngoài vũ trụ.
Oleg Kononenko lập được kỷ lục về số ngày sống ngoài không gian dài nhất lịch sử khi ông đang làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Nhiệm vụ hiện tại của ông Kononenko tại ISS bắt đầu từ ngày 15/9/2023 và dự kiến đến ngày 23/9 tới đây, ông mới rời ISS để trở lại Trái Đất. Điều này đồng nghĩa với việc nếu mọi việc vẫn diễn ra đúng như kế hoạch, ông Kononenko sẽ có tổng thời gian 1.110 ngày sống ngoài vũ trụ, một kỷ lục rất khó để phá vỡ.
"Tại thời điểm 00:00:20 ngày 5/6 theo giờ Moscow, phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos, Oleg Kononenko, người đang làm việc tại Trạm Vũ trụ Quốc tế, đã lập kỷ lục người đầu tiên có tổng thời gian 1.000 ngày ở ngoài vũ trụ", Roscosmos tuyên bố trong một thông cáo đưa ra.
Trước đó vào ngày 4/2 vừa qua, Oleg Kononenko đã thiết lập kỷ lục về tổng số ngày sống ngoài vũ trụ, với tổng cộng 879 ngày sống xa Trái Đất. Thành tích này của Oleg Kononenko đã vượt qua kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi phi hành gia đồng hương Gennady Padalka, với tổng thời gian sống ngoài vũ trụ là 878 ngày, 11 giờ và 30 phút.
"Tôi bay vào vũ trụ để làm điều mình yêu thích, chứ không phải để lập nên các kỷ lục. Tôi tự hào về những thành tựu của mình, nhưng tôi tự hào hơn nữa là kỷ lục về tổng thời gian con người sống trong không gian vẫn do phi hành gia người Nga nắm giữ", Kononenko chia sẻ sau khi đạt được cột mốc đáng nhớ vào hồi tháng 2.
Đáng chú ý, thành tích của Oleg Kononenko và Gennady Padalka đạt được sau nhiều lần đi vào không gian để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chứ không phải là thời gian kéo dài liên tục mà các phi hành gia này sống ngoài vũ trụ. Riêng với Kononenko, đây đang là nhiệm vụ ngoài không gian lần thứ 5 của ông.
Người đang nắm giữ kỷ lục về thời gian sống liên tiếp trên vũ trụ lâu nhất cũng thuộc về một phi hành gia người Nga (trước đây là Liên Xô), đó là Valeri Polyakov. Ông đã làm việc trên Trạm vũ trụ Mir từ ngày 8/1/1994 đến 22/3/1995, với tổng thời gian kéo dài 437 ngày, 17 giờ và 58 phút.
Trước đó, Polyakov cũng từng thực hiện nhiệm vụ trên Mir kéo dài 240 ngày, từ ngày 28/8/1998 đến 27/4/1989.
Các phi hành gia Liên Xô trước đây và hiện tại là Nga thống trị các kỷ lục về thời gian sống trong vũ trụ. 8 người có tổng thời gian sống và làm việc ngoài vũ trụ lâu nhất đều thuộc về các phi hành gia người Liên Xô và Nga. Vị trí thứ 9 thuộc về nữ phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson, với 675 ngày sống xa Trái Đất.
Không giống các phi hành gia của Nga, các phi hành gia của Mỹ thường không làm các nhiệm vụ ngoài không gian kéo dài hơn 6 tháng. Các phi hành gia người Mỹ thường bàn giao lại nhiệm vụ ngoài không gian của mình cho các nhóm phi hành gia kế cận, thay vì kéo dài thời gian để hoàn tất công việc mới trở về Trái Đất.
Thời gian sống trên vũ trụ càng lâu, các phi hành gia sẽ phải chịu đựng nhiều áp lực rất dữ dội ảnh hưởng đến cơ thể, chẳng hạn như sự phân phối của các chất lỏng trong cơ thể khiến họ rất khó để thích nghi khi quay trở lại Trái Đất.
Nhiều phi hành gia sẽ đối mặt với tình trạng mất mật độ xương và teo cơ. Mặc dù trên trạm ISS có thiết kế phòng tập thể dục để giúp các phi hành gia có thể vận động, nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng bị mất cơ bắp và tổn thương xương, khớp.
Các phi hành gia sẽ phải mất vài năm để hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau 6 tháng làm việc trên vũ trụ. Dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với các di chứng về sức khỏe như nguy cơ gãy xương cao hơn hay nguy cơ bị ung thư…
Một vấn đề khác mà nhiều phi hành gia phải đối mặt sau thời gian dài làm việc trên vũ trụ đó là những tổn thương về mặt tâm lý và cảm xúc, khi họ thường xuyên phải làm việc một mình và cách xa người thân trong một thời gian dài.
Do vậy, các phi hành gia sẽ phải rất dũng cảm và cống hiến hết mình để có thể làm việc kéo dài trên vũ trụ.