Ngủ trưa thế nào là tốt?

(Dân trí) - Bạn có thể đã quen với cảm giác buồn ngủ quay quắt giữa buổi chiều. Điều này thực sự phổ biến, dù bạn có ăn trưa hay không, và thời điểm buồn ngủ nhất có lẽ là khoảng từ 1 đến 3 giờ chiều.

Ngủ trưa thế nào là tốt? - 1

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình đang phải chiến đấu chống lại cơn buồn ngủ vào buổi trưa, cố gắng tìm nơi nào đó có thể giúp bạn chợp mắt một lát, sau đó hãy làm việc.

Dành thời gian cho một giấc ngủ ngắn sẽ làm giảm buồn ngủ gần như ngay lập tức và giúp cơ thể tỉnh táo hơn trong vài giờ sau khi thức dậy. Và nhiều lợi ích khác nữa.

Cùng tìm hiểu tại sao chúng ta cần ngủ trưa

Mọi người ngủ trưa vì nhiều lí do, và một vài lí do trong số đó là:

- Để bù lại sự thiếu ngủ

- Với hi vọng có thể tránh cảm giác buồn ngủ sau đó

- Để vui chơi, vì chán nản hoặc để giết thời gian.

Việc ngủ trưa là tương đối phổ biến. Trên thực tế, khoảng 50 phần trăm chúng ta ngủ trưa ít nhất mỗi tuần một lần.

Tỷ lệ ngủ trưa cao hơn ở các quốc gia như Hy Lạp, Brazil và Mexico, nơi có nền văn hoá siesta, kết hợp với khoảng"thời gian yên tĩnh" vào đầu giờ chiều để mọi người về nhà ngủ. Ở những nước như vậy, có tới 72 phần trăm số người ngủ trưa ít nhất bốn lần mỗi tuần.

Lợi ích đặc biệt của ngủ trưa

Ngủ trưa không chỉ có ích vì chúng có thể giúp ta cảm thấy ít buồn ngủ hơn, tỉnh táo hơn, mà còn giúp chúng ta cải thiện khả năng nhận thức, thời gian phản ứng, trí nhớ ngắn hạn và cả tâm trạng của chúng ta nữa.

Nghiên cứu của chúng tôi (chưa công bố) đã cho thấy những người thường xuyên ngủ trưa cảm thấy tỉnh táo hơn nhiều sau khi có một giấc ngủ ngắn so với những người chỉ thỉnh thoảng ngủ trưa.

Một nhóm nghiên cứu khác nhận thấy rằng cơ chế vận động thần kinh, nơi mà các dây thần kinh thường xuyên thay đổi để đáp ứng với việc học một kỹ năng mới, của những người thường xuyên ngủ trưa, hoạt động tốt hơn nhiều so với những người không ngủ trưa bao giờ.

Trên thực tế, lợi ích chung của giấc ngủ là tương tự như những gì người ta cảm nhận được sau khi uống cà phê (hoặc các loại thuốc kích thích khác) nhưng nó không có phản ứng phụ, cũng như không có sự phụ thuộc vào caffein và cũng không gây mất ngủ vào ban đêm.

Nên ngủ trưa bao lâu?

Khoảng thời gian bạn ngủ phụ thuộc vào số lượng thời gian bạn có, cách bạn muốn giấc ngủ sẽ phục vụ mình như thế nào, và kế hoạch của bạn cho đêm hôm đó. Nói chung, ngủ trưa càng dài, bạn sẽ cảm thấy càng tươi trẻ hơn sau khi thức dậy.

Những giấc ngủ trưa dài từ khoảng một đến hai tiếng, sẽ có nghĩa là bạn ít buồn ngủ hơn (và cần ngủ ít hơn) vào buổi tối đó. Điều này có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường để ngủ.

Nếu bạn có kế hoạch thức muộn hơn bình thường, hoặc dù có mất nhiều thời gian hơn một chút để có thể ngủ được vào buổi tối cũng không sao thì hãy ngủ trưa khoảng 1,5 tiếng.

Đây là khoảng thời gian của chu trình ngủ bình thường. Bạn sẽ có một giấc ngủ sâu trong khoảng một giờ và sau đó là giấc ngủ mơ màng trong nửa giờ cuối cùng.

Thức dậy sau khi có một giấc ngủ ngắn mơ màng như thế sẽ làm bạn cảm thấy tươi mới và tỉnh táo. Tuy nhiên, thức dậy ngay sau khi vừa ngủ sâu sẽ không mang lại hiệu quả tương tự.

Nếu bạn ngủ quá lâu và bỏ lỡ giấc ngủ mơ màng khi ngủ trưa, có thể bạn sẽ thức dậy với cảm giác thật uể oải và buồn ngủ. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ nữa, đừng lo lắng - cảm giác này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất nhanh thôi.

Một sự lựa chọn khác là hãy ngủ một giấc ngủ "quyền lực". Ngủ trưa ngắn, khoảng 10-15 phút, có thể cải thiện đáng kể sự tỉnh táo, hiệu quả nhận thức và tâm trạng gần như ngay lập tức sau khi thức dậy. Các lợi ích thường kéo dài trong vài giờ.

Giấc ngủ “quyền lực” này là rất tốt bởi vì bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ cảm giác uể oải hoặc buồn ngủ nào sau khi thức dậy. Điều này bởi vì bạn chưa hề có bất kỳ giấc ngủ sâu nào trong thời gian ngắn này.

Nghiên cứu cho thấy, giấc ngủ trưa ngắn, khoảng từ đầu đến giữa giờ chiều có tác dụng lớn nhất, khi so sánh với giấc ngủ trưa bất kỳ vào thời gian nào trong ngày.

Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng để tỉnh táo, một giấc ngủ ngắn bất cứ lúc nào cũng có thể giúp cho bạn tỉnh táo.

Hoàng Hằng

Theo Science Alert