Ngồi nhiều cũng gây hại như hút thuốc?
(Dân trí) - Một nghiên cứu đã phát hiện rằng những người làm công việc bàn giấy sẽ có nguy cơ chết trẻ gần gấp đôi so với bình thường.
Thật đáng ngạc nhiên là điều này vẫn đúng với ngay cả những người tập thể dục đều đặn.
Tiến sĩ Keith Diaz – đồng tác giả của nghiên cứu đến từ Trung tâm Y tế Đại học Columbia – cho biết “chúng ta có xu hướng cho rằng ngồi nhiều chỉ nói đến lượng thời gian mà chúng ta ngồi mỗi ngày”. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng, hành vi ngồi – cho dù trong một khoảng thời gian ngắn hay dài – thì cũng đều ảnh hưởng tới sức khỏe”.
Trong nghiên cứu này, Diaz và các đồng nghiệp từ bảy cơ sở y tế của Mỹ đã trang bị các máy theo dõi hoạt động cho gần 8.000 người từ 45 tuổi trở lên trên khắp nước Mỹ. Mỗi người tham gia đều đeo máy theo dõi ít nhất bốn ngày/tuần cho tới tháng 9/2015. Kết quả cho thấy, trung bình, những người tham gia ngồi khoảng 12,3 tiếng đồng hồ trong suốt 16 không ngủ vào ban ngày.
Tính toán đến các yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, giáo dục, hút thuốc và huyết áp cao, các nhà nghiên cứu thấy rằng tổng lượng thời gian ngồi có liên quan tới sự thay đổi về nguy cơ tử vong – cho dù là tử vong bất kỳ nguyên nhân nào – và kể cả khi những người tham gia vẫn tập thể dục điều độ hoặc cường độ cao”.
Những người ngồi khoảng 13,2 tiếng mỗi ngày có nguy cơ chết sớm nhiều gấp 2,6 lần so với những người ngồi dưới 11,5 tiếng mỗi ngày.
Tuy nhiên, những người phải ngồi nhiều có thể phòng ngừa chết sớm bằng cách đi lại xung quanh sau mỗi nửa giờ đồng hồ.
Tiến sĩ Diaz cho biết thêm rằng, “nếu bạn có công việc hoặc phong cách sống cần phải ngồi trong một thời gian dài, thì bạn nên đứng đậy thư giãn sau mỗi nửa tiếng đồng hồ”. Hành vi này có thể giúp giảm nguy cơ chết sớm, mặc dù hiện vẫn chưa rõ về số lần thực hiện hành động như vậy để đạt mức tối ưu.
Tiến sĩ Monika Safford – đồng tác giả của nghiên cứu – đã so sánh việc ngồi liên tục với hút thuốc.
“Nghiên cứu này bổ sung thêm cho các tài liệu ngày càng tăng về mức độ nguy hiểm của việc ngồi lâu đối với sức khỏe và nhấn mạnh đến mức độ nhận thức ngày càng tăng ở các bác sĩ và các nhà nghiên cứu rằng ngồi nhiều thực sự cũng có tác hại giống như một kiểu hút thuốc”.
Theo bà, chúng ta cần có các cách sáng tạo để đảm bảo rằng chúng ta không chỉ cắt giảm thời gian ngồi, mà còn gia tăng sự gián đoạn để không ngồi liên tục quá lâu.
Anh Thư (Theo Metro)