Nghiên cứu khoa học cần sát với nhu cầu thực tế, phục vụ xã hội
(Dân trí) - 9 sản phẩm công nghệ về y tế, chăm sóc sức khỏe được giới thiệu nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Sáng nay (23/11), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Aus4Innovation (Úc) tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại công nghệ hóa-dược và thiết bị y tế với sự tham gia của gần 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược, thiết bị y tế.
Tại hội thảo, ban tổ chức giới thiệu 9 sản phẩm công nghệ về y tế, chăm sóc sức khỏe trong số nhiều sản phẩm được nghiên cứu trong 2 năm gần đây để giới thiệu tới các doanh nghiệp nhằm kết nối hợp tác, xúc tiến chuyển giao công nghệ, phát triển thương mại sản phẩm.
PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này giống như một startup công nghệ trình bày sản phẩm của mình để kêu gọi sự hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp.
"Hình thức trên sẽ góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tế, tạo động lực để các nhà khoa học tìm tòi, sáng tạo nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội", PGS.TS Phan Tiến Dũng chia sẻ
"Còn doanh nghiệp có thể trao đổi thẳng thắn về những vấn đề xoay quay sản phẩm, công nghệ, định hình phát triển sản phẩm… sát với nhu cầu thực tế, phục vụ xã hội. Điều này sẽ tạo nên một môi trường thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của khoa học công nghệ và sự tăng trưởng của doanh nghiệp".
Đồng tình với quan điểm nêu trên, các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng nghiên cứu khoa học cần sát với nhu cầu thực tế, phục vụ xã hội. Bên cạnh đó, các nhà khoa học và doanh nghiệp cũng đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề "nóng" xoay quay sản phẩm, công nghệ, định hình phát triển sản phẩm…
Một số ý kiến cho rằng quá trình nghiên cứu khoa học thường theo đơn đặt hàng của Nhà nước hay một tổ chức nào đó, nhưng sau khi nghiệm thu thường rơi vào tình trạng "đút ngăn kéo".
Để khắc phục vấn đề này, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hóa công nghệ cần được tổ chức thường xuyên hơn, nhằm góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tế.
Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp nên chủ động trực tiếp "đặt hàng" cho các nhà khoa học của Viện nghiên cứu để giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình. Đây được xem là bước đệm tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi mà nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp "cộng sinh" để chia sẻ và bổ sung cho nhau.