Bộ KH&CN: Ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao CN sản xuất vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Ưu tiên của toàn ngành KH&CN lúc này là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vắc xin sử dụng cho người theo lộ trình từ nay đến năm 2030.
Năm 2021 ghi nhận khắp nơi trên thế giới vẫn đang oằn mình chống lại đại dịch Covid-19 và Việt Nam cũng không loại lệ. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội thời gian vừa qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đóng góp quan trọng, toàn diện trong công tác phòng, chống dịch, cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
KHCN đóng góp hiệu quả trong phòng, chống dịch
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã huy động lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai theo quy trình, đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc xin phòng Covid-19....
Trong ứng dụng CNTT kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị, toàn ngành đã phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bản đồ phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế.
Trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, Bộ KH&CN đã cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…
Có thể khẳng định, những kết quả ngành KH&CN đạt được trong thời gian qua là sự tiếp nối quan trọng các thành tựu, là nền tảng quan trọng tạo đà phát triển trong giai đoạn mới.
Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực
Không chỉ đóng góp nhanh, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, thời gian qua nhiều chương trình nghiên cứu cơ bản tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KH&CN được thực hiện nghiên cứu theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao.
Có thể thấy ở lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị, linh kiện mà trước đây chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung sản phẩm, đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục của ngành.
Đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam.
Các công nghệ trên đã được ứng dụng trong quản lý chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản của Việt Nam như mật ong, hạt tiêu...; quản lý quá trình nuôi cá tra công nghiệp; xác định các thông số về đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu đất phục vụ phát triển nông nghiệp.
Ở lĩnh vực công nghệ cao, các chương trình KH&CN đã xây dựng nền tảng mở nhận dạng tiếng nói tiếng Việt từ vựng lớn; phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây trong nhận dạng, phân tích dữ liệu lớn hình ảnh từ hệ thống camera quan sát nhằm hỗ trợ phát hiện các đối tượng, sự kiện bất thường trong xã hội…
Bộ KH&CN cho biết thời gian từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", khi vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trong đó, ưu tiên số 1 lúc này là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để đề ra các giải pháp phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vắc xin từ nay tới năm 2030.