Nga ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ, cân nhắc rút khỏi "Liên minh ISS"

Minh Khôi

(Dân trí) - Mối quan hệ đối tác không gian kéo dài hàng thập kỷ giữa Nga và phương Tây có thể sẽ tan thành mây khói như một hệ quả tất yếu từ của cuộc xung đột với Ukraine.

Nga ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ, cân nhắc rút khỏi Liên minh ISS - 1

Tên lửa Soyuz đưa 36 vệ tinh internet OneWeb lên quỹ đạo từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào 27/12/2021 (Ảnh: Space).

Rạng sáng nay (4/3), công ty OneWeb có trụ sở tại London thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng phóng vệ tinh của mình từ Sân bay vũ trụ Baikonur do Nga điều hành ở khu vực Kazakhstan.

Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, Roscosmos, thông báo sẽ không phóng 36 vệ tinh internet OneWeb như kế hoạch, trừ khi công ty này đảm bảo rằng thiết bị của họ sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự, và chính phủ Vương quốc Anh đồng ý thoái vốn.

Trước đó, Roscosmos cũng đã ngừng phóng tên lửa Soyuz do Nga chế tạo từ Trung tâm vũ trụ Guyane ở Pháp. Không chỉ vậy, ông Dimitry Rogozin - Giám đốc Roscosmos cũng tuyên bố sẽ không bán động cơ tên lửa cho các công ty của Mỹ.

"Hãy để họ bay trên một thứ khác, thay vì động cơ tên lửa của chúng ta", ông cho biết.

Được biết, Roscosmos thậm chí đang cân nhắc về sự tiếp tục tham gia của Nga trong chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Đây từng là chương trình được ràng buộc bởi một loạt các thỏa thuận pháp lý, chính trị và tài chính phức tạp giữa 15 quốc gia tham gia vào dự án, và được coi là biểu tượng của sự hợp tác vượt thời gian giữa các quốc gia, châu lục.

Theo Space, những căng thẳng trong lĩnh vực hợp tác vũ trụ ngay lập tức nổ ra khi Nga triển khai những kế hoạch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ấy tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới, và một vài trong số đó sẽ làm suy giảm các chương trình nghiên cứu không gian của Nga.

Tuy nhiên, ông Rogozin đã ngay lập tức phản kháng lại tuyên bố này, khi nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho việc hợp tác nghiên cứu không gian. "Họ có muốn phá hủy sự hợp tác của chúng tôi trên ISS?", ông đặt câu hỏi nghi vấn.

Nga ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ, cân nhắc rút khỏi Liên minh ISS - 2

Ông Dimitry Rogozin, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga tuyên bố sẽ không bán động cơ tên lửa cho các công ty của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Russia Today ngày 2/3, Giám đốc Roscosmos tiếp tục nhắc nhở truyền thông rằng Nga vẫn đang chịu trách nhiệm điều hướng cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, cũng như cung cấp nhiên liệu cho phòng thí nghiệm quỹ đạo. "Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ hành động của các đối tác từ Mỹ và nếu họ tiếp tục thù địch, họ nên sẽ đặt dấu hỏi về sự tồn tại của ISS trong thời gian tới", ông Rogozin cho biết.

Trong khi đó, cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Nelson - người đồng vị trí với ông Rogozin tại NASA lại chia sẻ một quan điểm khác, khi nhấn mạnh khả năng tiếp tục hợp tác trên ISS, nơi đã liên tục đón nhận các phi hành đoàn và nhiệm vụ mới kể từ tháng 11/2000.

"Bất chấp những thách thức ở đây trên Trái Đất, NASA vẫn cam kết với 7 phi hành gia và nhà du hành vũ trụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế", Nelson cho biết hôm 1/3, trong cuộc họp của Hội đồng Cố vấn NASA. "NASA vẫn tiếp tục mối quan hệ làm việc với tất cả các đối tác quốc tế của chúng tôi để đảm bảo sự an toàn của họ và các hoạt động an toàn liên tục của ISS".

Dẫu vậy, giới chuyên môn đánh giá các mối quan hệ hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế hiện cũng đang trở nên căng thẳng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong hơn 2 thập kỷ qua, và không rõ nó có thể tồn tại đến bao giờ.

Theo www.space.com