Nếp sống khoa học ngày Tết
(Dân trí) - Ngày Tết được nghỉ ngơi, nguồn thực phẩm lại khá phong phú. Vậy mà chính những điều kiện thuận lợi đó lại không giúp cho sức khỏe của mọi người tốt hơn, mà ngược lại, không ít người thấy sức khỏe giảm sút, có khi còn bị ốm đau vì những lý do không đáng có!
Nghỉ ngơi hoàn toàn và ăn uống không điều độ
Cơ thể con người vốn tuân theo nhịp sống sinh học quen thuộc, làm trái với điều đó, như nghỉ ngơi hoàn toàn, hoặc ăn uống và sinh hoạt không điều độ, tự nhiên thấy mệt mỏi và không còn thấy sự hứng thú của những ngày Tết. Có lẽ điều này ai cũng biết vì đã từng chiêm nghiệm bản thân, nhưng dễ “chiều mình” theo lối sống “thoải mái” trong những ngày Tết.
Mấy khi đã có dịp phá bỏ cái khuôn phép “cứng nhắc” phải dậy đúng giờ để tập thể dục buổi sáng, rồi sau đó khẩn trương ăn sáng để đi làm (với người lớn) hoặc đi học (với trẻ em). Những ngày Tết tha hồ thức khuya, dậy muộn. Ăn uống cũng tùy ý, sẵn có bánh chưng, giò chả, thịt đông, dưa hành… rồi các đồ uống như bia và các loại rượu, các loại nước có ga… Muốn ăn uống lúc nào cũng sẵn và tùy ý thích. .. Phá bỏ thông lệ điều độ trong sinh hoạt và ăn uống có dưỡng chất cân đối là nguyên nhân chính gây nên mệt mỏi, ăn không thấy ngon miệng và tinh thần không thấy thoải mái, nhất là đối với những ông bà tuổi đã cao hoặc tuổi không còn ở trẻ và các em nhỏ, không dễ thích ứng với nếp sống bị đảo lộn, lại phải ăn những món ăn tuy có vẻ sang trọng, cỗ bàn đầy mâm, nhưng không giống các món ăn thường ngày, dễ sinh chán ăn, thậm chí còn bị rối loạn tiêu hóa, sinh ra chứng đầy bụng, khó tiêu.
Kết quả là qua những ngày nghỉ Tết, không ít người thấy mập ra mà lại thấy khỏe yếu đi . Đấy là chưa kể những người bị bệnh mạn tính về tim mạch, bị mỡ máu và huyết áp hay bệnh tiểu đường thì thấy các triệu chứng của những căn bệnh này đều nặng lên, thậm chí còn phải đến bệnh viện.
Sống vui sống khỏe dịp Tết
Trong những ngày Tết, không nên phá bỏ nếp sống lành mạnh vốn có, trước hết là nên duy trì nếp sống quen thuộc, ăn nhiều điều độ, có giờ giấc, nhất là đối với người già và trẻ em. Nên sắp xếp thời gian nào ở nhà tiếp khách, thời gian nào đi thăm nội, ngoại, anh em bạn bè và thăm thú những cảnh đẹp; vãn cảnh chùa chiền, tham dự những cuộc đấu thể thao, đấu vật và những trò chơi dân gian lành mạnh khác… Nên tránh xa những "trò chơi" không lành mạnh dù đã bị cấm, nhưng trong dịp Tết vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi như đánh bạc, cá cược trọi gà ăn tiền, và nhiều trò mê tín dị đoan, xem bói, xin quẻ... thường đi theo các lễ hội đầu xuân …
Ăn uống ngày Tết sao cho hợp lý, vừa đủ chất dinh dưỡng vừa ngon miệng, hợp khẩu vị cho cả nhà là nghệ thuật của công việc nội trợ, không chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà nhiều nam giới cũng có khả năng này.
Không nên chuẩn bị sẵn quá nhiều đồ ăn (thịt) nguội để trong tủ lạnh để đến bữa chỉ việc lấy ra ăn. Các nhà dinh dưỡng học và bác sĩ đã có nhiều lời khuyên là ngày Tết không nên ăn nhiều bánh chưng, các loại giò (nhất là giò mỡ, giò thủ), thịt đông, thịt kho tầu, lạp xườn, xúc xích, canh măng nấu chân giò; …vì đó là những thứ cung cấp dư thừa năng lương (nhất là trong trạng thái ít vận động), lại chứa nhiều mỡ động vật (axit béo bão hòa) làm cho cơ thể nhanh tăng cân mà thấy người yếu đi, nhất là đối với người bị bệnh tim mạch, huyết áp hay tiểu đường.
Đấy là chưa kể tạp chất phụ gia độc hại dùng trong kỹ thuật chế biến giò, lạp sườn, xúc đình... Cũng không nên lạm dụng các loại rượu, bia, nước ngọt hoặc ăn nhiều mứt, kẹo… gây nên tình trạng dư thừa năng lương sẽ tạo thành mỡ trong cơ thể, làm tăng cân nhanh. Các bác sĩ còn cho biết: Khi uống rượu bia, các độc tố sẽ bị giữ lại gan, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở cơ quan này. Nếu uống quá nhiều sẽ làm gan bị tổn thương khiến chức năng thải độc của gan giảm sút, ảnh hưởng xấu đến sự tiêu hóa của cơ thể. Tốt nhất chỉ nên uống chút sâm - panh hoặc rượu vang khai vị để kích thích tiêu hoá. Nên uống nhiều nước để tạo điều kiện cho quá trình thanh lọc các chất cặn bã trong cơ thể.
Tựu chung, nguồn thực phẩm trong những ngày Tết thường giầu chất béo (bão hòa), nhiều chất đạm, nhiều chất cung cấp dư thừa năng lượng, nhưng thường thiếu các loại vitamin, chất xơ và chất khoáng. Con người ta muốn khỏe mạnh thì cần có nguồn dinh cân đối. Có như vậy thì hiệu xuất hấp thụ của cơ thể mới cao, vừa tránh lãng phí vừa bảo đảm tốt cho sức khỏe.
(Ảnh minh họa)
Dù là chất bổ dưỡng đến đâu nhưng ăn quá nhiều (làm mất sự cân đối chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn) thì cũng không tốt, dễ bị rối loại tiêu hóa và sinh bệnh. Vì vậy, trong những ngày giáp Tết mỗi gia đình nên mua sẵn các loại rau quả và cá tươi để sẵn trong tủ lạnh. Bên cạnh một số đồ ăn nguội, mỗi bữa ăn bao giờ cũng cần có các món rau tươi và hoa quả tráng miệng để bữa ăn ngon miệng hơn và cung cấp thêm cho cơ thể các loại vitamin, chất xơ và chất khoáng cần thiết. Theo các nhà dinh dưỡng tính toán, tốt nhất là mỗi người một ngày nên ăn 300 gam rau củ và 200 gam trái cây. Ngoài ra, nên giữ thói quen ăn sữa chua sau mỗi bữa ăn chính. Vi khuẩn sống trong sữa chua rất có lợi cho quá trình tiêu hóa vì trong sữa chua có chứa một loại enzyme gọi là lactase có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Những người ăn sữa chua thường xuyên sẽ ít bị viêm loét và các bệnh khác ở đường tiêu hóa. Sở dĩ sữa chua có tác dụng này là vì hoạt chất trong sữa chua ngăn ngừa vi khuẩn H.Pylori - các vi khuẩn có thể gây viêm loét bên trong đường tiêu hóa. Do đó, sữa chua được coi là có lợi cho quá trình tiêu hóa. Sữa chua còn chưa hàm lương can-xi khá cao giúp cho xương chắc khỏe, phòng ngừa bệnh loãng xương,
Để cho bữa ăn ngày tết khỏi bị ngán vì ăn quá nhiều thịt, ngoài việc thêm các món rau và nộm, nên có các món chế biến từ cá tươi. Các nhà dinh dưỡng học cho biết: cá có giá trị sinh học cao nhờ chứa các axit amin thiết yếu được cơ thể hấp thụ hoàn toàn cho việc tăng trưởng và đổi mới các tế bào. Mỡ cá không có chứa axit béo bão hòa như mỡ lợn. Ngoài ra, cá còn chứa hàm lượng sắt, một thành phần rất dễ được đồng hóa, giúp cho cơ thể chắc khỏe và thon thả.
Có lẽ ít ai nghĩ đến món canh dấm cá ăn với rau sống trong những ngày Tết. Nhưng đó là món ăn ít bị ngán và thấy lạ miệng trong những ngày Tết.
Mỗi vùng quê đều có những món ăn truyền thống trong dịp Tết không chỉ chế biến từ các loại thịt mà còn chế biến từ các loại cá đánh ở ao nhà; và các loại rau củ sẵn có trong vườn nhà… Đó là nguồn thực phẩm tươi đa dạng, phong phú cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bữa ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng trong những ngày Tết.
Muốn có một cái Tết vui không thể không quan tâm chăm lo cho sức khỏe của mọi người trong gia đình, trong đó có người già và trẻ em có những nhu cầu riêng, cần được quan tâm nhiều hơn. Tuy vậy, nếp sống sinh hoạt điều độ trong những ngày Tết là cần thiết với mọi người.
Thao Lâm