1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

NASA phóng thành công vệ tinh Landsat 9

Minh Khôi

(Dân trí) - Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, NASA phóng vệ tinh quan sát Trái đất Landsat 9 từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg, California (Mỹ).

NASA phóng thành công vệ tinh Landsat 9 - 1

NASA phóng thành công vệ tinh Landsat 9. (Ảnh: ULA)

Đây là vệ tinh thứ 9 và cũng là tiên tiến nhất của chương trình Landsat, nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu Trái đất từ trên cao.

Theo Space, sứ mệnh của vệ tinh Landsat 9 là tiếp tục ghi lại cảnh quan đang thay đổi của Trái đất theo chương trình Landsat - vốn đã được triển khai từ năm 1972.

Dựa trên những hình ảnh này, các nhà khoa học sẽ có cái nhìn toàn cảnh để kịp thời đưa ra lời cảnh báo, đặc biệt là khi hành tinh của chúng ta đang hứng chịu một loạt tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Danh mục quan sát của vệ tinh Landsat 9 gồm sự phát triển của các siêu đô thị, sự lan rộng của các cánh đồng, diện tích rừng, đường bờ biển, sa mạc, sông băng... Bên cạnh đó, nó còn có thể theo dõi hành vi, điều kiện sống của nhiều loại động vật khác nhau, từ linh dương đầu bò, gấu túi, chim gõ kiến, hải mã...

NASA phóng thành công vệ tinh Landsat 9 - 2

Các nhà nghiên cứu kiểm tra lần cuối vệ tinh Landsat 9 trước khi phóng tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg (ULA). (Ảnh: USSF)

Để làm được điều này, vệ tinh Landsat 9 sử dụng một máy ảnh độ phân giải cực cao và một cảm biến hồng ngoại nhạy cảm, cho phép kết hợp hình ảnh Trái đất dựa trên 11 dải quang phổ và phân giải các vật thể có chiều rộng từ 15m.

Được biết, vệ tinh Landsat 9 có thể chụp ảnh toàn bộ Trái đất sau mỗi 16 ngày. Tuy nhiên, nó sẽ kết hợp với vệ tinh Landsat 8 - được phóng vào năm 2013, để nâng tần suất lên 8 ngày/lần.

Mục đích của việc phóng Landsat 9 là thay thế cho vệ tinh Landsat 7 cũ kỹ, đang được sử dụng tới ngày nay. Dự kiến, nó sẽ "sống khỏe" trong ít nhất 5 năm tới trên quỹ đạo.

NASA phóng thành công vệ tinh Landsat 9 - 3

Mô hình đang hoạt động của vệ tinh Landsat 9 khi nó quan sát Trái đất từ độ cao 700km (Ảnh: NASA)

Dẫu vậy, Landsat 9 vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi nó có thể được đưa vào hoạt động.

Theo đó, tên lửa Atlas của tàu vũ trụ chỉ thả vệ tinh xuống ở độ cao 680km. Điều này đòi hỏi Landsat 9 phải tự sử dụng động cơ đẩy của riêng mình để đạt tới độ cao quan sát trên 700km, tính từ Trái đất.

Trong vài tuần tới, sau khi tất cả các hệ thống trên vệ tinh được đưa vào vận hành, Landsat 9 sẽ bắt đầu có được những hình ảnh đầu tiên để gửi về Trái đất.

NASA phóng thành công vệ tinh Landsat 9 - 4

Một hình ảnh bờ biển trên Trái đất được chụp từ vệ tinh Landsat 8. (Ảnh: NASA)

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland, đã đích thân đến Vandenberg để xem buổi phóng vệ tinh. Bà cho biết chương trình Landsat cung cấp "một dạng dữ liệu phong phú", giúp ích cho cuộc sống hàng ngày của mọi người và rất quan trọng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn khủng hoảng khí hậu, mà bạn có thể thấy hàng ngày: Hạn hán, cháy rừng, bão tố", bà Haaland cho biết. "Điển hình là cơn bão Ida đã tàn phá các vùng của miền Nam nước Mỹ và ảnh hưởng tới cả Anh Quốc".

"Những hình ảnh mà vệ tinh Landsat 9 mang lại sẽ đảm bảo để chúng ta có thể đưa ra quyết định tốt nhất vì tương lai của Trái đất".

Theo Jeff Masek, nhà khoa học thuộc dự án Landsat 9 tại Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA, chương trình Landsat đã thu thập được hơn 9 triệu hình ảnh đa góc độ về đất liền và các vùng ven biển của Trái đất.

"Dựa trên những hồ sơ này, chúng tôi thực sự có thể ghi chép và hiểu rõ về những thay đổi đã xảy ra đối với môi trường, khi chúng chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của con người cũng như các sự kiện tự nhiên", ông cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm