Mua sắm hoảng loạn thời Covid-19, vì sao và làm thế nào để tránh khỏi?

(Dân trí) - Đầu tiên là khẩu trang, rồi đến đồ ăn, thậm chí cả giấy vệ sinh ở nhiều nơi cũng khó tìm mua được, vì mọi người tích trữ đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Mua sắm hoảng loạn thời Covid-19, vì sao và làm thế nào để tránh khỏi? - 1

Liệu có gì hợp lý trong hành vi đó hay không? Và làm thế nào chúng ta có thể vượt ra ngoài những xung động tâm lý để mua sắm thông minh hơn, và quan tâm đến nhu cầu của người khác?

COVID-19 – một bài kiểm tra về sự căng thẳng, lo lắng

Tình hình bùng phát virus corona không chỉ là quãng thời gian có nhiều biến động, mà còn là giai đoạn nhiều người trong chúng ta trải qua sự cô lập xã hội. Cả hai yếu tố này có thể thúc đẩy tâm lý mọi người mua những thứ mà họ không cần. 

Cảm giác không thể chịu đựng được những điều không chắc chắn đã dẫn đến hành vi tích trữ cực đoan. Tích trữ đòi hỏi phải thu thập nhiều vật phẩm hơn mức có thể tiêu dùng, khiến cho ngôi nhà không còn là nơi yên ổn cả về mặt vật chất và tinh thần đối với những người trong nhà. Mặc dù những hành vi tích trữ mà chúng ta chứng kiến gần đây chưa đến mức độ như vậy, nhưng những gì đã xảy ra cũng do cơ chế tâm lý tương tự dẫn đến hành vi đó.  

Một trong những biểu hiện để đoán trước được hành vi tích trữ của một người là người đó không có khả năng chịu đựng hoàn cảnh ngặt nghèo. Nếu một người có bản chất là luôn tránh những hoàn cảnh khó khăn, thì trước tình hình bệnh dịch như hiện nay, người đó rất dễ mua nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết.

Đối với những người như vậy, việc tin vào chính quyền là rất khó khi chính quyền tuyên bố rằng các cửa hàng vẫn sẽ mở, hàng hóa sẽ không thiếu. Hoặc nếu họ có tin thì có thể họ vẫn quyết định “tốt hơn cứ chuẩn bị, đề phòng mọi thứ thay đổi”. 

Virus corona cũng gây ấn tượng mạnh và tiêu cực với nhiều người về khả năng gây tử vong, khiến họ sợ hãi điều này có thể xảy ra với họ. Điều này dẫn đến hành vi gia tăng chi tiêu để bù đắp nỗi sợ hãi.

Ngay cả khi một người thường vẫn yên tâm, tự tin là bản thân có thể xử lý những hoàn cảnh khó khăn, thì cuối cùng họ vẫn mua nhiều hơn nhu cầu. Nhìn thấy những giá hàng trống trơn có thể gây ra nỗi thúc giục phải chộp lấy những gì còn lại. Nghiên cứu về “suy nghiệm khan hiếm” cho rằng chúng ta cảm thấy hàng hóa có giá trị hơn khi nguồn cung ít hơn.

Hàng hóa tiêu dùng cũng có thêm nhiều chức năng hơn ngày thường. Một số sản phẩm lại được dùng vì mục đích tâm lí và có thể thay đổi cảm xúc của người dùng. Ví dụ, một số người chuyển sang uống rượu để xóa đi cảm giác lo lắng hoặc đau khổ.

Làm sao để vượt qua được rào cản tâm lý?

Vậy làm thế nào để chúng ta có được những quyết định hợp lý khi mà quá nhiều “thế lực” tâm lý xen vào?

Để loại bỏ hoàn toàn được tâm lý này thì không có cách thức nào hoàn hảo cả, nhưng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp mọi người tránh đưa ra quyết định chỉ dựa trên những cảm xúc và những động cơ không tốt. CBT có thể cải thiện khả năng chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn và giảm căng thẳng, sợ hãi.

CBT bao gồm giải quyết vấn đề và tránh hành vi không cần thiết để kiểm tra niềm tin của một người. Ý tưởng ở đây là thách thức những suy nghĩ không có ích, và đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng.

Để áp dụng được cách tiếp cận này vào việc mua sắm trong thời bệnh dịch hiện nay, bạn nên bắt đầu bằng việc dự trữ những thứ bạn đã có ở nhà, tức là những thứ bạn vẫn sử dụng cho cuộc sống bình thường hàng ngày, và xem thời hạn sử dụng của chúng là bao lâu. Điều quan trọng khi tích trữ là bạn cần giới hạn sự lãng phí và phải thật cân nhắc. Mua thực phẩm mà rồi để hỏng hoặc mua quá nhiều những sản phẩm mà người khác, trong đó có người già, cũng rất cần mua thì chẳng ích gì và không hợp lý. Mua 100 cuộn giấy vệ sinh là lãng phí nếu phải mất 1 năm bạn mới dùng hết.

Có thể hạn chế lãng phí thực phẩm bằng cách lên kế hoạch cho các bữa ăn trong 2 hoặc 3 tuần sắp tới, luôn chú ý đến hạn sử dụng của các thực phẩm này. Tập trung vào mức độ sử dụng thực tế trong thời gian này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định chính xác hơn về những thứ cần mua và số lượng cần mua.

Cảm thấy lo sợ là điều bình thường

Khi đi mua hàng, hãy cầm theo danh sách những thứ cần mua, cố gắng hết sức chỉ mua những thứ có trong danh sách. Bằng cách này, bạn sẽ giảm thiểu khả năng bị khuất phục bởi ham muốn mua nhiều do lo lắng khi nhìn thấy các kệ hàng trống rỗng, hoặc sợ rằng cửa hàng sẽ đóng cửa. Và hãy lên kế hoạch trước để sẵn sàng mua sản phẩm thay thế nếu một số mặt hàng bạn định mua đã hết. 

Có thể bạn sẽ bắt đầu thấy lo lắng khi chỉ mua những thứ cần trong thời gian ngắn trước mắt. Không sao cả. Nhiều thử nghiệm nghiên cứu cho thấy mọi người có thể vượt qua nỗi lo và về lâu dài việc thay đổi những hành vi không có ích sẽ giúp giảm nỗi lo đó.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên có thói quen tích trữ hoàn toàn có thể chịu đựng được khó khăn tốt hơn họ tưởng. Vì vậy cho dù một số người không thể tránh khỏi sự lo lắng khi đi mua sắm thì họ vẫn có thể chịu đựng được. Và sự lo lắng này sẽ giảm đi nếu họ áp dụng những cách làm nói trên. 

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, vấn đề mua quá nhiều hàng hóa không cần thiết cũng đã xảy ra ở một số nước. Ví dụ như ở Úc, người dân nước này đứng thứ 9 trên thế giới về mức xả rác sinh hoạt tính theo đầu người, họ tiêu hết 6,08 tỷ đô-la Mỹ/năm để mua những mặt hàng và dịch vụ rất ít khi họ sử dụng. Hơn một nửa số tiền này là mua thức ăn rồi không dùng đến và bỏ đi.

Có lẽ hiểu được các cơ chế tâm lý là cơ sở cho hành vi mua sắm của chúng ta sẽ giúp chúng ta mua hàng hợp lý hơn trong thời gian nhiều biến động này.

Phạm Hường 

Theo The Conversation