Mùa hè oi bức ở Mỹ khiến cây xương rồng cũng không chịu nổi

Minh Khôi

(Dân trí) - Là loài cây thích nghi với khí hậu khô nóng, song xương rồng saguaro cũng phải lao đao trong cái nóng của mùa hè năm nay.

Mùa hè oi bức ở Mỹ khiến cây xương rồng cũng không chịu nổi - 1

Nắng nóng khiến cây xương rồng ở sa mạc Arizona (Mỹ) gặp tình trạng nguy kịch (Ảnh: DBG).

Sau một tháng 7 nóng nhất lịch sử loài người, hàng loạt những cây xương rồng ở Vườn bách thảo sa mạc Phoenix, Arizona (Mỹ) đang gặp tình trạng nguy kịch.

Mặc dù không có đủ bằng chứng để nói rằng nhiệt độ cực cao của mùa hè đang khiến cây xương rồng saguaros chết hàng loạt, song những chuyên gia cho biết mức độ thiệt hại là đáng kể.

Các nhân viên tại vườn bách thảo đăng tải trên Instagram, cho biết nhiều cây xương rồng bị mất nước đến mức "xương sườn" của chúng co lại, tiến sát lại gần nhau, và phần thịt không còn săn chắc.

Nhiều cây đã chuyển sang màu vàng ốm yếu, ngả nâu, và có dấu hiệu mất nước trầm trọng. Cá biệt, một số cây thậm chí đã rụng mất các "cánh tay".

Rõ ràng, nhiệt độ cao kết hợp cùng không khí độ ẩm thấp, và hiệu ứng sa mạc, khiến ngay cả những loài cây thích nghi với khí hậu nơi đây cũng phải điêu đứng.

"Kể từ năm 2020, tỷ lệ tử vong của quần thể xương rồng saguaros đã tăng cao so với trước năm 2020", Kimberlie McCue, Giám đốc khoa học tại cơ sở, cho biết. "Mùa hè nắng nóng đang khiến chúng vượt qua khả năng chịu đựng".

Mùa hè oi bức ở Mỹ khiến cây xương rồng cũng không chịu nổi - 2

Cây xương rồng saguaro bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước. Một số cây bắt đầu thối rữa từ bên trong, dẫn tới rụng các chi và bật gốc (Ảnh: DBG).

Được biết, thành phố lớn nhất của bang Arizona đã chứng kiến một đợt nắng nóng dữ dội vào tháng 7, với nhiệt độ được báo cáo là đạt mức 43,3⁰C trong 31 ngày liên tiếp.

Giới chức địa phương đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng trong mùa hè năm nay và hiện đang điều tra thêm 249 trường hợp.

Mặc dù ban ngày là lúc nhiệt độ có thể lên rất cao, nhưng sức nóng vào ban đêm mới là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến các loài thực vật sống ở sa mạc.

Theo Kimberlie McCue, nguyên nhân là bởi để tránh mất nước trong những ngày nắng nóng, cây xương rồng thường đợi cho đến khi thời tiết ban đêm mát mẻ hơn để mở lỗ chân lông, và hấp thụ carbon dioxide.

Tuy nhiên, trong tháng qua, nhiệt độ đo được tại khu vực này vẫn ở ngưỡng cao bất thường ngay cả sau khi mặt trời lặn. Thậm chí ngay cả lúc đêm khuya, nhiệt độ vẫn duy trì trên 32,2⁰C .

Mùa hè oi bức ở Mỹ khiến cây xương rồng cũng không chịu nổi - 3

Cây xương rồng là loài thực vật đóng vai trò quan trọng cho hệ sinh thái sa mạc (Ảnh: DBG).

Cây xương rồng saguaro là giống cây lớn mang tính biểu tượng, có nguồn gốc từ sa mạc Sonoran ở Arizona và bang Sonora của Mexico. Ngoài ra, nó còn có thể được tìm thấy ở các khu vực Dãy núi Whipple và Quận Imperial của California.

Là loài xương rồng lớn nhất ở Mỹ, saguaro có thể đạt chiều cao 12 mét. Cá biệt đã ghi nhận những cây xương rồng cao tới 23 mét. Chúng cũng có tuổi thọ rất cao, lên tới 200 tuổi.

Cây xương rồng thích nghi hoàn hảo với khí hậu khan hiếm nước tại sa mạc. Chúng có hệ thống rễ nông, nhưng phân bổ rộng, giúp hấp thụ bất kỳ lượng mưa nào đổ xuống đất.

Một khi lấy được nước, cây xương rồng sẽ chứa chúng tại các mô tựa bọt biển bên trong. Chúng có chức năng giữ nước để đảm bảo duy trì sự sống cho cây trong thời gian hạn hán kéo dài.

Những chiếc gai nhọn hoắt của chúng mọc ra với mục đích tự vệ, giúp xua đuổi các loài động vật tìm kiếm nước trên sa mạc. Trong khi đó, vỏ ngoài của cây xương rồng giúp chống thấm cho cây và giảm sự mất nước.

Sự thích nghi này giúp chúng dễ sống hơn trong môi trường khô nóng, nhưng ngay cả những cây xương rồng gai góc nhất cũng chưa sẵn sàng cho tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Các nghiên cứu ước tính rằng khoảng 60 - 90% trong số 1.500 loài xương rồng trên thế giới có khả năng bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Thậm chí một số loài sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Theo www.iflscience.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm