Mưa axit do ô nhiễm không khí có thể gây ra lở đất chết người ở Trung Quốc

(Dân trí) - Chất lượng không khí kém có liên quan đến khoảng 4.000 người chết ở Trung Quốc mỗi ngày, nhưng trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học địa chất đã phát hiện ra rằng còn có một mối đe doạ khác do ô nhiễm đã bị bỏ sót.

Mưa axit do ô nhiễm không khí có thể gây ra lở đất chết người ở Trung Quốc - 1

Tiến sĩ Ming Zhang và Tiến sĩ Mauri McSaveney, tác giả của nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Khoa học Trái đất và Hành tinh (Earth and Planetary Science Letters) cho biết: "Các chất ô nhiễm cũng có thể gây ra sạt lở đất chết người”.

Các nhà khoa học cho biết mưa axit do ô nhiễm không khí có thể làm suy yếu các lớp đá và gây ra lở đất. Mưa axit hình thành khi mưa hòa tan các khí thải phát ra từ việc đốt than đá, tạo thành axit sulfuric và axit nitric.

Và do có các ngọn núi rộng lớn, Trung Quốc là một đất nước đặc biệt dễ bị sạt lở đất.

Những thảm họa thiên nhiên này có thể xảy ra khi một trận động đất gây bất ổn cho các lớp đá ở miền núi, nhưng vẫn còn rất nhiều suy đoán về các cơ chế khác kích hoạt chúng.

Vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng ở Jiweishan, Trung Quốc năm 2009, cướp đi sự sống của 74 người, và để nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các bối cảnh xung quanh sự kiện này.

Họ kết luận mưa axit đã có thể chảy tới các lớp đá phiến sét xuyên qua các vết nứt do hoạt động khai khoáng, và điều này đã làm suy yếu thành phần của núi.

Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Zhang và Tiến sĩ McSaveney nhận thấy rằng việc đặt đá phiến sét từ khu vực sạt lở ở Jiweishan vào axit đã hòa tan một khoáng chất trong đá có tên là canxit, để lại lớp đá xốp và yếu. Với việc cuốn đi canxit, các khoáng chất còn lại chính là bột talc mềm, trơn trượt.

Nếu quá trình này xảy ra ở một ngọn núi, nó có thể đã dẫn đến một khối lượng lớn đá trượt ra khỏi lớp trơn trượt và yếu.

Hơn nữa, các nhà khoa học cho rằng mưa axit có khả năng "làm phong phú" các vi khuẩn sống trong đá, cho phép chúng tăng trưởng và phá vỡ cấu trúc của đá.

Chia sẻ về phát hiện này, Tiến sĩ Andy Gibson, nhà nghiên cứu tại Đại học Portsmouth, tập trung vào động đất ở Trung Quốc nhưng không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: Những gì họ đang đề xuất không phải là lạ lùng. Trong lịch sử, chúng tôi biết rằng việc dòng thải axit mỏ có thể đã ảnh hưởng đến sự ổn định ở một số mỏ than ở Anh".

Tuy nhiên, trong khi mưa axit có thể đóng vai trò trong việc khởi đầu vụ lở đất, công trình này không cung cấp bằng chứng nguyên nhân cho nó.

Một nhà nghiên cứu khác thuộc trường Đại học East Anglia, người chú ý đến cách các vụ lở đất đáp ứng lại với sự biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Georgina Bennett, đồng ý công trình này đưa ra một ý tưởng hấp dẫn. "Ô nhiễm không khí không phải là cái gì đó mà tôi đã từng xem xét trước đây, vì vậy nó chắc chắn thú vị". Ý tưởng này nghe có vẻ khả thi, nhưng ngay cả khi mưa axit có liên quan đến vụ lở đất Jiweishan, nó có thể là một trong nhiều lý do.

Tiến sĩ Gibson, xác định nguyên nhân gây sạt lở đất là rất khó thực hiện trong khi các nhà khoa học cần dữ liệu từ các thảm họa thực tế.

"Vấn đề tồn tại trong khoa học trái đất ứng dụng là chúng ta không thể mô phỏng được loại thất bại này trong phòng thí nghiệm, chúng ta cần nghiên cứu trường hợp tự nhiên để tăng cường sự hiểu biết của mình", Tiến sĩ Gibson cho hay.

Đào Hiền (Theo Independent)