1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Mỡ trắng, mỡ nâu: Loại nào có ích?

(Dân trí) - Chúng ta, và cả một số nhân viên y tế thường võ đoán về chất béo là nguyên nhân của bệnh béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp...

Các nhà nghiên cứu dinh dưỡng và y học đưa ra những thông tin khoa học về các loại chất béo, chức năng, vai trò, cũng như ưu, khuyết điểm của chúng trong cơ thể con người…

Mỡ trắng, mỡ nâu: Loại nào có ích? - 1

Mỡ có thể phân bố nhiều nơi như dưới da, cổ, mông, đùi và nội tạng. Về chức năng thường được chia làm hai loại là mỡ trắng và mỡ nâu.

Mỡ trắng

Mô mỡ trắng gồm có những giọt lipid đơn, ít ty thể và mạch máu, do đó có màu trắng nhạt hoặc màu vàng.

Mỡ trắng có nguồn gốc từ mô liên kết, chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong cơ thể, nằm ở dưới da, bụng, đùi và nội tạng.

Mỡ trắng có nhiều chức năng, nhiệm vụ: (1) dự trữ và cung cấp năng lượng quan trọng nhất trong cơ thể; và (2) tuyến nội tiết quan trọng sinh tổng hợp và chế tiết các hocmon adiponectin, leptin…và có nhiều thụ thể với adrenalin, cortisol, insulin, hocmon tăng trưởng. Người thừa cân, béo phì việc sản xuất adiponectin bị giảm hoặc biến mất đưa đến bệnh đái tháo đường, (3) các cytokine, adipokine, do tế bào mỡ chế tiết có liên quan đến nhiều quá trình sinh lý và bệnh lý. Trong tình trạng béo phì, mô mỡ bị thâm nhiễm bởi các đại thực bào giải phóng TNF-α và IL-6, gây viêm, stress oxy hóa, kháng quá trình tự chết (anti-apoptosis pathways) và gây ung thư…

Mỡ trắng thường tăng nhiều trong cơ thể do năng lượng calo nhập vào quá nhiều do ăn uống thừa mứa, và tiêu tốn quá ít do lười vận động.

Mỡ nâu

Gồm những giọt nhỏ chất béo và một số lượng lớn ty thể có chứa sắt. Vì có chất sắt cùng với rất nhiều mạch máu khiến mỡ có màu nâu.

Mỡ nâu có nguồn gốc từ mô cơ, cổ và lưng, chủ yếu được tìm thấy trong ngủ đông động vật và trẻ sơ sinh. Sau khi sinh ra lượng mỡ nâu giảm dần khiến người trưởng thành có nồng độ mỡ nâu thường thấp hơn trẻ con. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người đàn ông thon gọn thường có nhiều mỡ nâu hơn những người thừa cân, béo phì. Số lượng mỡ nâu thường rất ít so với mỡ trắng, Cypess tính toán ra rằng: "Một người 150 pound thường có 20-30 pound mỡ. Nhưng họ chỉ có 2 hoặc 3 ounce mỡ nâu.

Khi được kích hoạt, mỡ nâu đốt cháy mỡ trắng sinh ra năng lượng, vì thế mỡ nâu thường được gọi là chất béo "tốt". Số lượng mỡ nâu tuy rất ít so với mỡ trắng, nhưng chỉ cần khoảng 2 ounce mỡ nâu được kích thích, nó có thể đốt cháy đốt cháy 300-500 calo một ngày, đủ để giảm đến 1 pound (nửa kg) cân nặng trong một tuần.

Con người có thể chủ động tăng mỡ nâu bằng cách: (1) tập thể dục, có thể chuyển đổi chất béo màu trắng-vàng thành chất béo nâu hoạt tính hơn; (2) nhận được đủ chất lượng giấc ngủ, như sản xuất melatonin thích hợp ảnh hưởng đến việc sản xuất chất béo nâu; và (3) thường xuyên thường xuyên cảm thấy lạnh, chẳng hạn như tập thể dục ngoài trời vào mùa đông hoặc trong một căn phòng lạnh. Giảm nhiệt độ trong không gian làm việc và làm việc cũng là cách hữu ích để tăng mỡ nâu.

Tương quan giữa mỡ nâu và mỡ trắng

Mỡ trắng và nâu biến đổi nhau đáp ứng sát với các quá trình nội tiết, để điều chỉnh tỷ lệ trao đổi chất cũng như các chức năng khác của mô mỡ:

(1) Ở phụ nữ mỡ nâu (pink adipocyte) tạo thành từ sự biệt hóa từ mỡ trắng trong suốt quá trình mang thai sẽ chi phối việc tiết sữa của tuyến vú.

(2) Thiếu ăn sẽ giảm chức năng sinh sản. Phụ nữ có lượng mỡ cơ thể quá thấp, chu kỳ kinh nguyệt sẽ dừng lại. Nghiên cứu cho thấy, ở người và động vật gầy, mỡ ít, nồng độ hocmon leptin thấp. Leptin từ mỡ trắng làm tăng tiết hormone chế tiết sinh dục (Gonadotropin Releasing Hormone, GRH) để kích thích tuyến yên tiết FSH (Follicle Stimulating Hormone) và LH (Luteinizing Hormone), hai hocmon này sẽ kích thích buồng trứng tiết Estrogen và Progesterone…

Đôi điều bàn luận

Mô mỡ không đơn thuần là nơi tích trữ chất béo, năng lượng, của cơ thể; mà còn là một tuyến nội tiết thật sự với những chức năng phức tạp có đáp ứng tự động với kích thích cả trong lẫn ngoài và tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, hoạt động của cơ thể. Rối loạn chức năng mô mỡ làm phát triển bệnh béo phì và các rối loạn liên quan của nó như kháng insulin, bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, trầm cảm và ung thư.

Có khá nhiều nghiên cứu để giải thích tại sao một số người lớn lại có mỡ nâu và những người khác thì không. Theo Tiến sĩ Sato “Về lý thuyết, chúng ta có thể dùng chất béo nâu để quản lý bệnh béo phì và đái tháo đường týp 2”. Các nhà khoa học ở ĐH Monash và ĐH Stockholm khám phá ra mỡ nâu, "chất béo tốt", sẽ làm nóng cơ thể khi trời lạnh, đốt cháy calo trong quá trình này, và cũng làm mất lượng đường dư thừa. Các nhà nghiên cứu tin rằng, khi các tế bào mỡ nâu có thể được kích hoạt, mức đường huyết có thể được kiểm soát mà không cần hay giảm lượng insulin phải tiêm hàng ngày. Những phát hiện này, công bố trên tạp chí Journal of Cell Biology, có ý nghĩa quan trọng đối với những người mắc bệnh béo phì và đái tháo đường.

Những nghiên cứu chuyển đổi mỡ trắng sang mỡ nâu đã có thành công bước đầu. Nhóm nghiên cứu của GS.TS Li Qiang, ĐH Columbia và ĐH North Carolina đã thiết kế “miếng dán y tế” có nhiều kim siêu nhỏ (micro-needle) chứa rosiglitazone và chất CL316243 để “nhuộm nâu” mỡ trắng.

Mỡ trắng, mỡ nâu: Loại nào có ích? - 2

Tuy chưa thử nghiệm trên người, nhưng đây vẫn là một bước tiến đầy hứa hẹn cho việc điều hòa mỡ nâu và mỡ trắng sau này. Năm 2015, các nhà nghiên cứu Nhật Bản thông báo, dầu cá giúp cơ thể động vật chuyển tế bào mỡ trắng sang dạng mỡ nâu.

Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Viện Sinh y học (Biomedicine Discovery Institute), ĐH Monash, Australia, cho rằng trong não có một “công tắc” có thể điều chỉnh thức ăn chuyển đổi thành năng lượng hoặc thành dạng mỡ dự trữ, và công tắc này không hoạt động ở người béo phì. Giáo sư Tony Tiganis, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng “Hệ thống điều hòa chất béo này giúp điều chỉnh cân nặng của cơ thể, ngăn ngừa sự tăng giảm quá mức”, “Cơ chế đảm bảo năng lượng ăn vào cân bằng động thích hợp với năng lượng tiêu hao đi” và “ Khi hệ thống “công tắc” này không hoạt động, ăn vào nhưng tiêu hao ít, năng lượng thừa tích trữ lại dưới dạng mỡ và dẫn đến tăng cân, béo phì”.

Cần lưu ý, chỉ cần ăn uống vừa đủ, ngủ đúng giờ, làm việc trong môi trường mát mẻ và vận động thể lực hợp lý là cách khả thi để tăng mỡ nâu, giảm mỡ trắng và kiện toàn sức khỏe.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM