"Máy quét nhìn xuyên quá khứ" sẵn sàng đi vào hoạt động

Minh Khôi

(Dân trí) - Kính viễn vọng không gian James Webb được mệnh danh "máy quét nhìn xuyên quá khứ" đã sẵn sàng rời Trái Đất và thực hiện sứ mệnh lịch sử sau nhiều năm chờ đợi.

Máy quét nhìn xuyên quá khứ sẵn sàng đi vào hoạt động - 1

Các kỹ sư hoàn tất công đoạn kiểm tra, thử nghiệm kính viễn vọng không gian James Webb. Ảnh: NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây cho biết đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của kính viễn vọng không gian James Webb và sẵn sàng vận chuyển đến cơ sở phóng.

Dự kiến, hệ thống sẽ được phóng lên không gian vào ngày 31/10/2021, và hoạt động ở quỹ đạo cách hành tinh của chúng ta khoảng 1,5 triệu km.

Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) là thế hệ kính thiên văn kế tiếp của kính thiên văn không gian Hubble và kính thiên văn không gian Spitzer. So với hai người tiền nhiệm, JWST sở hữu độ nhạy và độ phân giải vượt trội, với khả năng thu thập từ bước sóng khả kiến cho tới hồng ngoại tầm trung.

Được mệnh danh là "máy quét nhìn xuyên quá khứ", JWST khi hoạt động sẽ quét một khu vực rộng lớn của vũ trụ nằm trong bán kính 13,5 tỷ năm ánh sáng bằng tia hồng ngoại trong ít nhất một thập kỷ. 

Các dữ liệu thu thập được từ kính viễn vọng sẽ cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn xa hơn và rõ nét hơn về chiều không gian sâu thẳm, như khám phá ra những ngôi sao mới, hay ngược dòng thời gian để về với những sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ, nơi những thiên hà đầu tiên hình thành sau vụ nổ lớn Big Bang.

Máy quét nhìn xuyên quá khứ sẵn sàng đi vào hoạt động - 2

Mô phỏng kính viễn vọng không gian James Webb khi đi vào hoạt động. Ảnh: NASA

Kính viễn vọng này có bộ phận chính là một gương hội tụ, ghép từ 18 tấm gương hình lục giác, đường kính mỗi tấm là 1,3m.

Hệ thống này sẽ được tên lửa đẩy đưa tới "Điểm Lagrange" thứ hai của hệ Mặt Trời - Trái Đất, cách Trái Đất 1,5 triệu km. Tại đây, các tấm chắn Mặt Trời (còn gọi là pellet) làm từ hợp chất giữa nhôm và polymer của nó sẽ mở ra, giữ cho gương chính và 4 thiết bị điện tử bên trong luôn ổn định ở mức nhiệt dưới 50 độ K (tương đương -220 ⁰C).

Theo tính toán của các nhà khoa học, khi tiến thành công vào quỹ đạo, lực hấp dẫn tác động lên kính viễn vọng sẽ giúp nó cân bằng, hoạt động ổn định. Tuy nhiên, việc sửa chữa, bảo trì hệ thống sẽ gặp khó khăn vì nó nằm ở khoảng cách quá xa. Điều này cũng dẫn tới chi phí để thay pin, sửa chữa hay nâng cấp một bộ phận nào đó sẽ rất tốn kém.

Máy quét nhìn xuyên quá khứ sẵn sàng đi vào hoạt động - 3

Mô hình kích thước thực tế của kính thiên văn không gian James Webb trưng bày tại Austin.

Dự án JWST từng nhiều lần bị trì hoãn và bị đội chi phí lên cao kỷ lục. Ban đầu, các nhà khoa học ước lượng ngân sách cho dự án kính thiên văn này chỉ là khoảng 1,6 tỷ USD, và thời điểm phóng dự kiến là vào năm 2011.

Tuy nhiên trên thực tế khi đến năm 2011, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu chấm dứt tiếp tục chi ngân sách cho dự án sau khi đã đổ vào đây khoảng 3 tỷ USD, bao gồm 75% thiết bị phần cứng của kính đã được chế tạo.

Tới năm 2014, các khoản ngân sách cho dự án bất ngờ được khôi phục, với mức dự kiến khoảng 8,8 tỷ USD để hoàn tất mọi giai đoạn.

Vì nhiều lý do khác nhau, sứ mệnh liên tục bị trì hoãn đến năm 2015, 2019, 2020, tháng 3/2021 và mới đây nhất là tháng 10/2021.