NASA tham vọng biến một miệng núi lửa Mặt trăng thành một kính viễn vọng
(Dân trí) - Với dự án đặc biệt này, NASA đặt hy vọng sẽ có thêm thông tin về một số khoảnh khắc sớm nhất sau Big Bang (uụ nổ lớn).
Dự án do NASA hỗ trợ nhằm đặt một kính viễn vọng vô tuyến dài hơn 1km trong một miệng núi lửa ở vùng tối của Mặt trăng.
Các đĩa kính viễn vọng vô tuyến cần được triển khai dự kiến phải là một hình parabol cong để thu sóng và phản xạ chúng tới một máy thu ở trung tâm. Đây là lý do tại sao một miệng núi lửa sẽ tạo ra bộ khung hoàn hảo và sẽ cần ít thiết bị và xây dựng hơn trong không gian.
Theo nhóm dự án của NASA, kính thiên văn vô tuyến mở này sẽ cực lớn và đặt công nghệ như thế này trên bề mặt Mặt trăng thay vì Trái đất rõ ràng có những lợi thế to lớn. Khái niệm này đang được các nhà khoa học đặt tên là Kính thiên văn vô tuyến miệng núi lửa Mặt trăng (LCRT).
Lý do về dự án độc nhất vô nhị này là bởi các nhà nghiên cứu nghĩ rằng họ có thể sử dụng nó để quan sát Vũ trụ chi tiết hơn rất nhiều vì bầu không khí Trái đất và tiếng ồn vô tuyến sẽ bị cản trở. Các nhà khoa học cũng cho rằng, kính viễn vọng về cơ bản có thể giúp chúng ta nhìn lại thời gian sớm nhất trong những khoảnh khắc sớm nhất trong vũ trụ.
Kế hoạch xây dựng kính viễn vọng sẽ được phụ trách bởi robot đặt lưới thép có đường kính khoảng 970m xuyên qua miệng núi lửa. Ở trung tâm của miệng núi lửa sẽ là một máy thu lơ lửng có thể thu tần số. Nó thậm chí có thể được duy trì bởi các phi hành gia khi NASA lên kế hoạch xây dựng Trại căn cứ Artemis trên Mặt trăng.
NASA cho biết khi xây dựng thành công, Kính viễn vọng vô tuyến miệng núi lửa Mặt trăng (LCRT) này sẽ là kính viễn vọng vô tuyến có khẩu độ lớn nhất trong Hệ mặt trời. LCRT có thể cho phép những khám phá khoa học to lớn trong lĩnh vực vũ trụ học bằng cách quan sát vũ trụ sơ khai trong dải tần số 6 - 30 MHz chưa được con người khám phá cho đến nay.
Các nhà nghiên cứu hiện có 9 tháng để tính toán xem liệu họ có thể phát triển dự án này trên thực tế hay không.
Trang Phạm
Theo Nypost