DNews

Máy bay không người lái của NASA lập kỷ lục bay trên sao Hỏa

T.Thủy

(Dân trí) - Chiếc trực thăng không người lái có tên gọi Ingenuity của NASA vừa lập thêm một kỷ lục mới về quãng đường bay thực hiện trên sao Hỏa.

Máy bay không người lái của NASA lập kỷ lục bay trên sao Hỏa

Máy bay không người lái của NASA lập kỷ lục ở chuyến bay thứ 69 trên sao Hỏa

Ingenuity là chiếc máy bay trực thăng không người lái (được xem như một robot bay), chỉ nặng khoảng 2kg, được NASA phóng lên sao Hỏa từ năm 2020 và chính thức đổ bộ lên "hành tinh đỏ" vào tháng 4/2021.

Ingenuity là một phần trong dự án của NASA, nhằm thử nghiệm khả năng hoạt động của một vật thể bay trong môi trường sao Hỏa, vốn có trọng lực và bầu khí quyển khác biệt so với trái đất.

Ingenuity là máy bay không người lái với thiết kế dạng trực thăng, thực hiện chuyến bay đầu tiên trên sao Hỏa vào tháng 4/2021 (Ảnh: NASA).

Ingenuity là máy bay không người lái với thiết kế dạng trực thăng, thực hiện chuyến bay đầu tiên trên sao Hỏa vào tháng 4/2021 (Ảnh: NASA).

Ngày 19/4/2021, Ingenuity đã thực hiện chuyến bay đầu tiên, đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên có một vật thể thực hiện chuyến bay trên sao Hỏa. Kể từ thời điểm đó, Ingenuity đã thực hiện hàng chục chuyến bay khác nhau trên "hành tinh đỏ".

Theo một báo cáo vừa được NASA công bố, ngày 21/12 vừa qua, Ingenuity đã thực hiện chuyến bay thứ 69 trên sao Hỏa và chiếc máy bay này đã lập kỷ lục mới khi thực hiện được chuyến bay xa và lâu nhất.

Cụ thể, Ingenuity đã thực hiện chuyến bay kéo dài 135 giây và di chuyển được quãng đường hơn 705m, với tốc độ gần 36,21 km/h. Chuyến bay này đã giúp Ingenuity đánh bại kỷ lục mà nó đã từng đạt được vào tháng 4/2022, khi robot này đã bay được 704m.

Thành tích đạt được ở chuyến bay thứ 69 của Ingenuity thậm chí còn vượt xa mong đợi của các kỹ sư tại NASA. Trước khi thực hiện chuyến bay này, NASA kỳ vọng robot của mình có thể bay được 131 giây và đạt được quãng đường 702m.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ingenuity đã có thời gian bay tổng cộng 125,5 phút và đạt được tổng quãng đường di chuyển 16,9km trên sao Hỏa. Độ cao trung bình mà chiếc máy bay này đạt được là 24,4m.

Tàu thám hiểm Perseverance và máy bay không người lái Ingenuity trong sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa (Ảnh: NASA).

Tàu thám hiểm Perseverance và máy bay không người lái Ingenuity trong sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa (Ảnh: NASA).

Trong quá trình bay, Ingenuity cũng đã chụp ảnh bề mặt sao Hỏa bên dưới để gửi về cho nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Những hình ảnh do Ingenuity gửi về sẽ giúp các kỹ sư của NASA nắm rõ địa hình bề mặt sao Hỏa và vạch ra lộ trình di chuyển an toàn cho tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance.

Một số hình ảnh do Ingenuity gửi về còn giúp các nhà khoa học NASA thấy rõ cấu tạo tầng địa chất trên sao Hỏa.

Thời gian hoạt động của máy bay không người lái Ingenuity đã vượt quá sự mong đợi của NASA. Ban đầu, các kỹ sư của NASA dự kiến Ingenuity chỉ thực hiện được khoảng 5 chuyến bay trên sao Hỏa, nhưng Ingenuity đã hoạt động bền bỉ hơn dự kiến và đến nay đã thực hiện được 69 chuyến bay.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Ingenuity không hề suôn sẻ. Vào tháng 5/2022, chiếc máy bay không người lái này đã bị chìm trong bóng tối một thời gian ngắn do lớp bụi trong khí quyển sao Hỏa tăng cao, khiến các tấm pin mặt trời nên máy bay không thể sạc đầy đủ. Rất may, các kỹ sư của NASA đã có thể kết nối với chiếc máy bay này và giải quyết được tình hình.

Đến nay, khi đã thực hiện số chuyến bay nhiều hơn gấp 14 lần so với dự kiến ban đầu, Ingenuity vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng bay. Các kỹ sư của NASA cũng đã sẵn sàng phát triển các phiên bản nâng cấp của Ingenuity để triển khai cho các sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.

Mars 2020 - Sứ mệnh khám phá sao Hỏa của NASA

Mars 2020 là nhiệm vụ thăm dò sao Hỏa của NASA, sử dụng một robot tự hành có tên gọi Perseverance để nghiên cứu bề mặt sao Hỏa, nghiên cứu các quá trình địa chất, đánh giá khả năng sinh sống được trong quá khứ trên sao Hỏa…

Tên lửa đẩy đưa robot Perseverance lên không gian được phóng lên từ trái đất vào ngày 30/7/2020, nhưng robot này chỉ chính thức đổ bộ lên bề mặt sao Hỏa vào ngày 18/2/2021.

Đặc biệt, ngoài xe tự hành Perseverance, trong nhiệm vụ thăm dò này, NASA cũng đã triển khai một máy bay không người lái với tên gọi Ingenuity, được gắn bên trong robot Perseverance.

Hình ảnh trực thăng Ingenuity bay trên sao Hỏa được robot Perseverance chụp lại (Ảnh: NASA).

Hình ảnh trực thăng Ingenuity bay trên sao Hỏa được robot Perseverance chụp lại (Ảnh: NASA).

Ingenuity có hình dạng một chiếc máy bay trực thăng, với cân nặng chỉ khoảng 2kg. Đây là thiết bị bay đầu tiên được NASA phóng lên sao Hỏa nhằm thử nghiệm khả năng hoạt động của một vật thể bay trong môi trường sao Hỏa, vốn có trọng lực và bầu khí quyển khác biệt so với trái đất.

Khi khởi động, các cánh quạt của Ingenuity có thể quay với tốc độ 50 vòng/phút. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyến bay thực tế, cánh quạt của Ingenuity sẽ quay ở tốc độ 2.400 vòng/phút, đủ nhanh để giúp nâng robot này lên trong bầu không khí loãng của sao Hỏa.

Mô phỏng quá trình cất cánh của máy bay không người lái Ingenuity trên sao Hỏa (Video: NASA).

Quá trình chuyến bay của Ingenuity được robot Perseverance ghi lại (Video: NASA).

Trong khi bay, camera điều hướng trên Ingenuity sẽ quét và ghi nhận các đặc điểm bề mặt của sao Hỏa khi nhìn từ trên cao. Dữ liệu thu thập được từ các chuyến bay của Ingenuity sẽ được truyền về một trạm thu phát tín hiệu được tích hợp trên robot Perseverance, sau đó được chuyển tiếp đến một vệ tinh bay quanh sao Hỏa và nhờ vệ tinh này truyền dữ liệu về cho các kỹ sư của NASA tại Trái đất.

Những thông tin thu thập được từ Ingenuity sẽ được NASA sử dụng để phát triển những thiết bị bay không người lái tốt hơn cho các sứ mệnh khám phá sao Hỏa trong tương lai.

Cả Ingenuity lẫn Perseverance đều được tích hợp những tấm pin năng lượng mặt trời để vận hành. Đến thời điểm hiện tại, 2 thiết bị này vẫn hoạt động ổn định trên bề mặt sao Hỏa.

Theo NASA/Popsci/PCMag