NASA công bố bản đồ băng trên Sao Hỏa
(Dân trí) - Việc lập bản đồ băng dưới bề mặt của Sao Hỏa sẽ giúp các nhà hoạch định sứ mệnh quyết định điểm hạ cánh tiềm năng của phi hành gia trong tương lai.
Mới đây, NASA vừa chính thức cập nhật bản đồ mới nhất của Sao Hỏa dựa trên các dữ liệu từ camera bối cảnh (CTX) và phân tích hình ảnh độ phân giải cao (HIRISE).
Đây là một phần của dự án lập bản đồ băng dưới bề mặt Sao Hỏa (SWIM) do Viện Khoa học Hành tinh dẫn đầu, và được quản lý bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA.
Trong dự án này, các nhà khoa học đã đối chiếu dữ liệu từ nhiều sứ mệnh Sao Hỏa trước đây, nhằm ghép lại thành một bản đồ thống nhất, cho thấy tiềm năng xuất hiện băng, nước, hình thành bên dưới lớp bề mặt của hành tinh Đỏ.
Với bản đồ mới nhất được cập nhật, các nhà hoạch định sứ mệnh giờ đây có thể xác định chính xác các miệng hố va chạm nhỏ, được cho là đã thổi bay bề mặt Sao Hỏa, và để lộ ra dạng "địa hình đa giác".
Đây là những khu vực ghi nhận lớp băng tan chảy, rồi lại đóng băng dựa theo thời tiết của các mùa nhất định trên Sao Hỏa.
Theo NASA, việc biết được băng trên Sao Hỏa có thể được tìm thấy ở đâu đóng vai trò rất quan trọng đối với việc lập kế hoạch sứ mệnh của phi hành đoàn. Chúng là một tài nguyên "vô giá" trong các sứ mệnh ngoài không gian, do vận chuyển nước từ Trái Đất được xem là vô cùng tốn kém.
Nước ở dạng băng được phát hiện sẽ dùng để chiết xuất nước uống, oxy và hydro... tất cả các nguyên tố này đều có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho tên lửa, nhằm giảm chi phí cho các sứ mệnh.
Dữ liệu từ bản đồ cũng cho phép các nhà lập kế hoạch né tránh việc hạ cánh các phi hành gia ở nơi quá lạnh.
Nếu nhiệt độ quá thấp, phi hành đoàn sẽ cần sử dụng thêm nguồn lượng năng lượng quý giá để giữ ấm cho bản thân và máy móc. Điều này sẽ khiến sứ mệnh thêm đắt đỏ và rủi ro thất bại.
"Nếu một ngày nào đó con người đặt chân lên Sao Hỏa, chúng ta sẽ muốn hạ cánh ở gần xích đạo nhất có thể", ông Sydney Do, giám đốc dự án SWIM, cho biết.
"Khi đó, một địa điểm lý tưởng sẽ là một vùng đất có vĩ độ càng thấp càng tốt, nhưng vẫn chứa lượng băng có thể tiếp cận được. Đây là lúc những bản đồ băng Sao Hỏa này phát huy tác dụng".
Bên cạnh việc lập kế hoạch cho sứ mệnh, các nhà khoa học tin rằng họ cũng có thể sử dụng bản đồ SWIM để hiểu rõ hơn lý do vì sao Sao Hỏa lại sở hữu ngoại hình như hiện nay.
Theo Nathaniel Putzig, người đồng lãnh đạo của SWIM tại Viện Khoa học Hành tinh, lượng băng được tìm thấy ở các vị trí trên vĩ độ trung của Sao Hỏa là không đồng nhất.
Cụ thể, một số khu vực dường như có nhiều băng hơn những khu vực khác, và chưa ai có thể lý giải được vì sao.
Theo ông, bản đồ SWIM mới nhất có thể sẽ giúp các nhà khoa học đặt ra những giả thuyết mới về lý do tại sao những biến đổi này lại xảy ra, cũng như xác định yếu tố ổn định của lớp địa chất trên Sao Hỏa.