1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Mặt Trời bùng nổ trước dự đoán, đe dọa thế giới như thế nào?

Nam Đoàn

(Dân trí) - Các nhà khoa học dự đoán, theo chu kỳ 11 năm của Mặt Trời, tháng 7/2025 là ngày mà quả cầu lửa bắt đầu hoạt động cực đại. Song mới đây, họ đã đưa ra dự đoán sớm hơn.

Mặt Trời bùng nổ trước dự đoán, đe dọa thế giới như thế nào? - 1

Mặt Trời dự kiến sẽ bước vào chu kỳ hoạt động cực đại trước năm 2025 (Ảnh minh họa).

Tháng 4/2022, các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ (NCAR) đã thay đổi quan điểm của họ bằng cách đưa ngày cực đại của Mặt Trời đến gần hơn và điểm bùng phát của nó dao động ở mức 185 điểm mỗi tháng. 

Kể từ đó, nhiều dấu hiệu cho thấy Mặt Trời ngày càng trở nên hoạt động mạnh hơn. Tháng 6/2022, số lượng vết đen mặt trời đạt cao nhất trong hơn 20 năm. 

Đáng chú ý, quả cầu lửa đã bùng phát một vết đen có kích thước gấp 10 lần hành tinh của chúng ta. Số lượng ngọn lửa mặt trời loại X, M và C cũng ngày càng tăng (X, M, C dùng để chỉ cường độ bùng phát của Mặt Trời).

Mới đây, các chuyên gia từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thông báo rằng Mặt Trời của chúng ta có thể sẽ đạt hoạt động đỉnh điểm sớm hơn. Dự kiến từ tháng 1 đến tháng 10/2024. 

Do đó, đỉnh điểm hoạt động của hành tinh này sẽ đến sớm, đồng thời cũng mạnh hơn. Các nhà khoa học dự đoán, có 137-173 vết đen mặt trời mỗi tháng và nó sẽ kéo dài lâu hơn dự báo ban đầu đã đề xuất.

Để đi đến những con số trên, nhóm nghiên cứu dựa vào các bản ghi số điểm từ các chu kỳ, số liệu thống kê và mô hình động lực học Mặt Trời trong quá khứ.

Hiện họ có kế hoạch cập nhật dự báo hàng tháng, dựa trên số lượng vết đen mặt trời. Do đó nguy cơ các cơn bão địa từ có cường độ mạnh sẽ tăng lên khi Mặt Trời hoạt động cực đại.

Đồng thời, nó hứa hẹn sẽ gây ra nhiều cực quang ngoạn mục trên Trái Đất trong những tháng tới. Đây là cơ hội cho những người yêu thiên văn nghiệp dư có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp này.

Mặt Trời bùng phát mạnh đe dọa Trái Đất như thế nào?

Các ngọn lửa mặt trời, còn được gọi là sự phun trào khối lượng vành, phóng plasma mặt trời với tốc độ rất cao vào không gian, tấn công bầu khí quyển phía trên Trái Đất và tương tác với từ trường.

Từ trường và bầu khí quyển thường bảo vệ chúng ta khỏi những hạt này, nhưng khi có những tia sáng mặt trời mạnh nó vẫn có ảnh hưởng đến các hệ thống liên lạc vô tuyến như làm gián đoạn hay gây mất lưới điện trên Trái Đất. 

Năm ngoái, sau một cơn bão từ, có tới 40 vệ tinh Starlink  của Tập đoàn Công nghệ và Khai phá Không gian SpaceX trong không gian bị phá hủy, rơi thẳng xuống Trái Đất. Mức độ phóng xạ nguy hiểm cũng sẽ đe dọa sức khỏe đối với các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Theo các nhà thiên văn học, các chu kỳ mặt trời có thời gian trung bình là 22 năm bao gồm 11 năm dẫn đến cực đại và 11 năm nữa dẫn đến cực tiểu, sau đó một chu kỳ mới bắt đầu.

Nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng, trong lịch sử quả cầu lửa chưa bao giờ gây nguy hiểm cho sự tồn vong của nhân loại.